Người thầy truyền cảm hứng

- Đối với thầy Chẩu Văn Vụ, giáo viên bộ môn Toán, Trường PTDTBT THCS Phúc Sơn (Lâm Bình), “Mỗi học sinh như là một bài toán, để giải được sẽ có nhiều phương pháp khác nhau. Chỉ cần có tình yêu với nghề, với học sinh thì sẽ tìm ra cách…”.

Đi xa để trở về

Tôi liên hệ với thầy Vụ sau khi được sự giới thiệu của đồng chí Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là sự khiêm nhường, hiền lành. Qua câu chuyện, tôi được biết thầy đã có hơn chục năm công tác tại Xín Mần (Hà Giang). Thời gian đó, thầy vẫn đau đáu mong mỏi trở về quê hương để nuôi dưỡng những mầm non, đóng góp vào sự đổi thay của mảnh đất Phúc Sơn còn nhiều khó khăn.

Năm 2019, sau khi vượt qua kỳ thi viên chức, thầy được phân công về trường. Thỏa ước mơ, thầy đã dốc lòng, dốc sức để thay đổi tư duy, nhận thức của các em học sinh. Việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ của thầy Vụ là rà soát lại kiến thức của các em học sinh. Từ đó, phân loại theo từng cấp để có những phương pháp giảng dạy cho hiệu quả. Thầy Vụ chia sẻ, mỗi em học sinh có sự nhận thức khác nhau, vì thế không thể áp dụng chung một phương pháp giảng dạy. Đối với môn Toán, nếu các em học sinh không nắm được các kỹ năng đơn giản ngay từ đầu thì sẽ rất khó cho việc tiếp thu những kiến thức mới. Vì vậy, những học sinh bị “rỗng”, cần phải bắt đầu lại từ những kiến thức căn bản nhất, có thể đó chỉ là cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Điều cả thầy và trò cần nhất là sự kiên trì.

Sau khi rà soát lại học sinh, thầy Vụ đã tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường bồi dưỡng theo hướng chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với khối lớp 9, thầy Vụ bồi dưỡng học sinh theo 2 chuyên đề là: Bồi dưỡng vào lớp 10 và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài ra, thầy Vụ còn phụ đạo thêm cho 3 học sinh tham gia thi học sinh giỏi môn Vật lý. Trong quá trình giảng dạy, thầy Vụ tận tình hướng dẫn các em từ cách tiếp cận môn học, kỹ năng làm bài tập và cách sử dụng các công cụ toán học.

Trong năm học 2020-2021, thầy Vụ đã đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường cho các em học sinh khối 6, 7, 8 ở bán trú tham gia khóa học trực tuyến vào các chiều 2, 4 để các em tiếp cận các kiến thức nâng cao. Khi tham gia khóa học, ngoài việc tiếp thu được những kiến thức một cách sống động, linh hoạt, các em còn được rèn luyện kỹ năng sử dụng máy vi tính để có thể dễ dàng tìm kiếm và tiếp nhận các nguồn kiến thức.

Những đổi thay tích cực

Thầy giáo Chẩu Văn Dực, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phúc Sơn cho biết, năm học 2021-2022 nhà trường có 492 học sinh với 13 lớp học. Học sinh ở bán trú là 182 em. Nhờ có những phương pháp giảng dạy phù hợp, thầy Vụ đã truyền được cảm hứng cho các em học sinh. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong nhà trường đã tăng lên khoảng 35%.

Thầy Chẩu Văn Vụ, Trường PTDTBT THCS Phúc Sơn (Lâm Bình) hướng dẫn các em học sinh học bài trên lớp.

Những đổi thay tích cực đó thể hiện trực tiếp trên kết quả học tập của các em học sinh. Như trường hợp của em Ma Thành Tuyên, là học sinh có lực học trung bình, ở trên lớp thường không chú ý vào bài giảng. Thầy Vụ tâm sự, để thay đổi phương pháp học của em Tuyên, thầy đã mất một buổi chiều ngồi tâm sự với em để hiểu được tâm tư, tình cảm, sự tiếp nhận và xử lý thông tin của Tuyên. Sau đó, thầy đã áp dụng phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, ngày sau đó em Tuyên đã thích nghi khá tốt, các bài tập thầy giao được em vận dụng kiến thức linh hoạt. Sau 2 tháng bồi dưỡng, em Tuyên đã có sự chuyển biến tích cực. Với điểm số theo thực lực đã đạt khá và em cũng là học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường. Hiện nay, em đang học lớp 10 Trường THPT Minh Quang, theo như nhận xét của các thầy cô đang giảng dạy cho Tuyên thì em cũng là một học sinh khá.

Hay như em Đặng Phúc Quang, là học sinh dân tộc Dao, cũng đã có những thay đổi tích cực sau khi được thầy Vụ thực hiện phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực. Em Quang cho biết, hiện tại dù không còn theo học tại trường nhưng em luôn biết ơn thầy Vụ vì thầy là người đã giúp em thay đổi tư duy học tập. Trước đây Quang luôn thấy môn Toán, Lý là những môn học khô khan, tuy nhiên khi tiếp cận với phương pháp giảng dạy của thầy Vụ đã giúp em có hứng thú với môn học và có thể thoải mái sáng tạo theo cách của mình.

Các em học sinh tham gia học tập tại trường hầu hết là người dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình còn khó khăn, vì vậy việc học của các em cũng không được phụ huynh quan tâm sát sao. Từ đó, dẫn đến ý chí học tập của các em không được ổn định. Vì vậy, việc của các thầy cô giáo không chỉ là truyền tải kiến thức mà còn phải thay phụ huynh các em quan tâm, khích lệ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các em. Tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập.

Bản thân anh Vụ là giáo viên dạy THPT, khi được phân công dạy chương trình THCS mặc dù là những kiến thức của bậc học thấp hơn nhưng anh vẫn phải tìm hiểu lại các nguồn kiến thức. Anh đã chủ động tìm các sách từ cơ bản đến nâng cao để củng cố lại những kiến thức đã học cách đây gần 20 năm và những thay đổi của các chương trình học mới. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đồng nghiệp, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn chung của huyện, chủ động đăng ký tham gia các tiết dạy mẫu để có thêm những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

 Thời gian này, huyện Lâm Bình đang có nhiều ca dương tính với Covid-19, theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình, nhà trường đã cho các em học sinh nghỉ học từ ngày 13-11. Hàng ngày, anh vẫn soạn bài, gửi đề ôn tập cho các em học sinh qua Zalo và giải đáp những đề chưa hiểu của các em. Anh Vụ mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, cuộc sống sớm trở lại bình thường để anh có thể gặp và truyền tải kiến thức cho học trò.

Đối với thầy Vụ “Mỗi học sinh như là một bài toán, để giải được sẽ có nhiều phương pháp khác nhau. Chỉ cần có tình yêu với nghề, với học sinh thì sẽ tìm ra cách…”.

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục