Những góc nhìn mới từ ảnh Flycam

- Tại một số cuộc trưng bày, triển lãm ảnh gần đây, khi xem những tấm ảnh flycam, không ít người đã thích thú ồ lên khi mà họ phải mất một lúc khá lâu mới có thể nhận ra những khung cảnh quen thuộc của quê mình. Tất nhiên, cái lạ trong thị giác người xem không phải do hình ảnh thực tế bị chỉnh sửa, làm sai lệch trên ảnh; cái chính là do ảnh được chụp từ những góc nhìn mà bản thân người xem chưa trải nghiệm bao giờ. Đó chính là góc nhìn mới lạ từ trên cao khi được chụp bằng Flycam.

Tác phẩm “Thổ cẩm vùng cao” của Lê Đức được chụp từ flycam.

Trên thực tế, người ta hay gọi flycam với cái tên “camera bay” hay “máy bay quay phim không người lái”. Đúng như tên gọi, chiếc máy bay trên không này nhỏ như một chiếc máy bay mô hình, được gắn camera vào một hệ gimbal (hệ thống khung giữ camera cố định) một cách vừa chắc chắn vừa linh động. Vài năm trở lại đây, việc sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa có gắn máy ảnh (fly camera) để chụp ảnh từ trên cao đã trở nên phổ biến trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật. Tại các thành phố lớn, bình quân 3 - 5 người chơi ảnh có một người sở hữu flycam. Riêng tại Tuyên Quang hiện có khoảng trên 10 người sắm được thiết bị bay để phục vụ cho việc chụp ảnh.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh là một trong những người sở hữu Flycam đầu tiên. Ông chia sẻ, tổng giá trị thiết bị (máy ảnh, các loại ống kính, filter, máy vi tính...) của hầu hết những người chụp ảnh chuyên nghiệp hiện nay đều không dưới 100 triệu đồng. Do vậy, hầu hết các nhiếp ảnh gia đều mong muốn bỏ ra thêm một khoản tiền chừng 20 - 30 triệu đồng nữa để mua một chiếc flycam nhằm đa dạng phương pháp tác nghiệp. Vấn đề còn lại là phải dành thời gian học kỹ năng điều khiển thiết bị cho nhuần nhuyễn. Đồng thời phải có những thay đổi nhất định trong tư duy hình ảnh bởi phương thức “bấm máy” ở đây khác hẳn so với cách chụp ảnh truyền thống.

Năm 2017, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh tạo được dấu ấn cá nhân nói riêng và nhiếp ảnh Tuyên Quang nói chung với tác phẩm “Tấm thảm ngày mùa”. Tác phẩm chụp bằng Flycam đã giành Huy chương Đồng trong Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ IX - VN17 tại Việt Nam.  Từ góc nhìn từ trên cao, cánh đồng Hoàng Khai (Yên Sơn) hiện hữu như một tấm thảm đẹp, đầy sắc màu: mùa vàng của lúa chín, màu xanh mướt, tim tím, hồng hồng của cánh đồng rau, ngô vào vụ. Đó là màu sắc của ấm no, thanh bình của làng quê nông thôn mới.

Các nhà phê bình nhiếp ảnh nhận định rằng, trong các cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật gần đây, tỷ lệ ảnh flycam tăng lên đáng kể. Điều này chứng tỏ phong trào chơi “không ảnh” đang lan rộng và quan trọng hơn. Rõ ràng chụp ảnh Flycam là một phần mới mẻ và không thể thiếu của nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại.

Tác giả Lê Đức là một trong nhiếp ảnh gia tâm huyết với ảnh Flycam. Anh chia sẻ, việc chiếm lĩnh được độ cao để chụp ảnh sẽ giúp người chụp có được những góc nhìn mới mẻ, khác lạ và vì thế, rất dễ đem đến những hiệu ứng nghệ thuật độc đáo. Trước đây, nhiều người từng leo lên những ngôi nhà cao tầng hoặc thuê xe nâng chuyên dụng để chụp ảnh từ trên cao, tuy nhiên độ cao và góc nhìn thì không thể lớn hơn và cũng không đa dạng như so với độ cao và góc nhìn từ flycam...

Theo anh Đức thì điều lưu ý khi dùng Flycam bên cạnh hiểu rõ về vận hành máy móc thì nhiếp ảnh cần lựa chọn góc chụp đẹp hợp lý. Đặc biệt cân nhắc về thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn trong lúc bay. Khi đưa máy ảnh lên không trung, ngay lập tức góc nhìn sẽ khác, nhưng không phải chụp thế nào cũng cho ra ảnh đẹp, ảnh lạ. Cái chính là làm thế nào để từ nhiều góc nhìn rất khác từ trên cao ấy mình chọn được một góc máy thật sự độc đáo để chụp. Hiện nay, Lê Đức đã có gần 100 bức ảnh về Flycam độc đáo như: “SOS”, “Mùa Lê Hồng Thái”, “Nắng Thượng Lâm”, “Bức họa vùng cao”…

Nhiếp ảnh gia trẻ Phạm Khánh Dương chia sẻ rằng, so với việc chụp ảnh thông thường, khi nhìn cảnh vật qua thiết bị bay, người chụp ảnh như rơi vào một “cảnh giới” khác. Trước sự choáng ngợp, mênh mang của không gian, cảnh vật, con người bên dưới, nếu không biết cách cân bằng cảm xúc thì không dễ gì để lựa chọn hình ảnh ưng ý và đưa ra quyết định bấm máy đúng lúc.

Có thể nhận thấy rằng Flycam xuất hiện mang đến những tác phẩm phong cảnh với góc nhìn rộng lớn, ấn tượng. Thể loại ảnh này thích hợp với quảng bá vẻ đẹp mảnh đất quê hương. Nhiều bức ảnh đẹp được đăng tải trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội tạo được “hiệu ứng” tích cực, thu hút khách du lịch xách ba lô đến khám phá. Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình nhiều nhiếp ảnh gia đã tích cực đi đến các vùng đất để tái hiện khoảnh khắc đẹp của quê hương, con người xứ Tuyên bằng góc nhìn mới mẻ từ Flycam.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục