“Quả ngọt’’ của chàng thanh niên người Tày

- Chúng tôi đến thăm cơ sở chuyên gia công cơ khí của thanh niên Ma Văn Chuyền, 25 tuổi, Bí thư Chi đoàn thôn Phiêng Rào, xã Năng Khả, Giám đốc Công ty TNHH MTV và Dịch vụ Nhược Chuyền giữa trưa tháng 5 oi ả. Trong sự ồn ã của tiếng hàn xì, anh Chuyền vừa giám sát thợ, vừa tươi cười nói với chúng tôi “Nhà báo chờ tôi một lát! Chiều nay tôi phải lắp đặt cửa cho khách nên đang gia công mấy phụ kiện cần thiết. Từ năm ngoái đến nay, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng cơ sở của tôi vẫn túc tắc việc, vẫn đảm bảo thu nhập, cuộc sống cho 5 lao động”.

Ý chí thoát nghèo


Anh Ma Văn Chuyền.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh Chuyền liên tục bị gián đoạn vì anh Chuyền có điện thoại của khách hàng. Hỏi anh cơ duyên đến với nghề cơ khí, anh kể: “Gia đình tôi vốn hộ nghèo, lại neo người. Nhà có 2 chị em nhưng chị gái đã lấy chồng xa nhà, bố sức khỏe kém nên khả năng lao động bị hạn chế”. Vì vậy, ngay từ khi chỉ là cậu học sinh cấp 2, Chuyền đã trở thành lao động chính trong nhà. Ngày đi học, chiều về anh luôn tất bật với công việc nhà nông.

Anh Chuyền chia sẻ: “Thực sự, tôi cũng rất muốn chuyên tâm vào việc học nhưng học không nổi. Việc nông thì luôn chân, luôn tay mà thu nhập chẳng đáng là bao, thấy bố đau yếu, thấy ngôi nhà tạm vẫn sừng sững đó khi xung quanh mình nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày một nhiều. Lúc ấy, tôi chỉ mong mình sớm đi làm, có thu nhập để lo cho gia đình thoát cảnh nghèo”.

Năm 2014, khi đang học lớp 12, Chuyền quyết định bỏ học đi làm công nhân ở 1 xưởng sản xuất bao bì tại Hưng Yên. Làm được 5 ngày, Chuyền bỏ việc vì nhận thấy công việc vất vả nhưng thu nhập không xứng đáng. “Tôi nghĩ, nếu cứ làm việc ở đây hay đi làm công nhân ở nơi khác, tôi mãi mãi chỉ là người làm công, ăn lương, bị phụ thuộc vào người khác thì bao giờ gia đình tôi mới khấm khá được. Tôi chỉ còn con đường học nghề, có nghề trong tay rồi sau này “vứt” đâu mình cũng sống được, thậm chí mình sẽ làm chủ…” - Anh Chuyền giãi bày.

Đang loay hoay chưa biết chọn học nghề gì, học ở đâu thì tình cờ Chuyền được 1 người bạn giới thiệu học nghề ở trường nghề của Hưng Yên. Qua tư vấn, định hướng, Chuyền nhận thấy nghề cơ khí phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình nhất nên nhanh chóng ra quyết định theo học. Trước mắt, trường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo; học viên được vừa học, vừa làm, để có thu nhập. Sau là, khi lành nghề, anh sẽ đem nghề về quê, nơi đây đang ngày càng phát triển là cơ hội lớn cho nghề gia công cơ khí phát triển.

Thành công từ biết chọn đúng

Sau 1 tháng học lý thuyết cơ bản ở trường nghề, anh Chuyền được giới thiệu vừa học, vừa làm ở 1 công ty tại thành phố Hưng Yên. Ban ngày, anh Chuyền đi làm ở xưởng, tối về anh được công ty đào tạo lý thuyết. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, anh rất tích cực trong học tập và lao động. Anh nêu cao tinh thần tự học, tự rèn tay nghề nên nhanh chóng lọt “top” học viên có tay nghề tốt của công ty. 1 tháng gắn bó với công ty, anh được giao đảm nhiệm chức danh Ca trưởng với nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn tay nghề cho 7 học viên khác, mức lương được nhận là 4,6 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, anh đủ trang trải sinh hoạt phí và dư từ 1-2 triệu đồng gửi về cho bố mẹ.

Anh Ma Văn Chuyền (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn, giám sát kỹ thuật của thợ.

1 năm sau đó, khi đã trở thành thợ lành nghề, anh Chuyền được giới thiệu vào làm ở công ty khác tại thành phố Hưng Yên với quy mô lớn hơn. Anh Chuyền nói: “Với mục đích rèn luyện tay nghề ngày càng giỏi hơn và tích lũy vốn để sau này về quê mở xưởng, tôi tập trung làm việc, hầu như cả tháng không nghỉ ngày nào. Lương và thưởng mỗi tháng được nhận từ 11-13 triệu đồng”. Gần 1 năm khẳng định tay nghề thợ giỏi ở đây, anh được nhận vị trí quản đốc. Vừa làm quản đốc được 1 tháng, anh phải bỏ việc, về quê vì vợ sinh non.

“Do sự việc ngoài dự kiến nên khi về quê tôi chưa tìm được vị trí mở xưởng, vốn lại không có nên tôi đi làm phụ xây mất mấy tháng. Tháng 8-2017, tôi thuê được đất, mở xưởng tại thôn Nà Reo hiện nay. Kinh nghiệm, tay nghề thì có nhưng vốn  lại ít, tôi vay được 15 triệu đồng để mua một số máy móc; liên kết với 1 cơ sở kinh doanh tại thị trấn Na Hang xin được ứng trước vật liệu, phụ kiện và thanh toán ngay sau khi công trình hoàn thành” – Chuyền cười thật thà.

Ban đầu, cứ nhà dân nào trên địa bàn xã và các xã lân cận đang xây dựng là anh đến tận nơi để xin gia công mái nhà, các loại cửa, lan can cầu thang… Chưa ai biết đến tay nghề nên anh Chuyền nhận không ít sự từ chối. Anh luôn kiên định với phương châm: “Lấy chất lượng sản phẩm để tạo thương hiệu, nỗ lực cung cấp cho khách hàng sản phẩm tốt nhất với giá thành tốt nhất”. Một mặt, anh Chuyền tích cực nghiên cứu, tìm tòi, tiếp cận những mẫu mã sản phẩm mới để giới thiệu cho khách hàng; liên hệ quảng bá sản phẩm. Mặt khác, anh luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng dù là sửa chữa hay làm mới sản phẩm. Bên cạnh gia công sản phẩm liên quan đến nhà dân dụng, anh Chuyền còn nhận gia công các vật dụng từ inox và sắt như: Chuồng trại, lồng cá, nhà bè, xe thồ, lò nướng thịt.

“Tiếng lành đồn xa”, xưởng cơ khí của gia đình anh Chuyền không những xây dựng được mối quan hệ với khách hàng trên địa bàn xã, mà còn tạo uy tín với nhiều khách hàng tại các xã, thị trấn lân cận. Từ đó, anh mua sắm thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của khách hàng.

Thời gian qua, anh đã trực tiếp đào tạo nghề cơ khí cho 6 thanh niên của xã trở thành thợ lành nghề theo hình thức vừa học, vừa làm, vừa trả lương. Trong đó, 1 thanh niên đang làm nghề tại Hà Nội với thu nhập ổn định; 5 lao động còn lại đang làm việc tại xưởng với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của anh Chuyền cho thu nhập bước đầu trên 100 triệu đồng.

Thợ cơ khí Hoàng Văn Thượng, 26 tuổi, thôn Phiêng Rào bày tỏ sự tiếc nuối: “Trước đây, tôi đã từng có 3 năm làm việc ở khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng cũng không tích lũy được vốn hay kinh nghiệm gì. Về nhà, tôi phải bắt đầu lại từ đầu”. Thấy anh Chuyền có tay nghề giỏi, khách hàng đông nên anh Thượng đến xin học nghề. Hiện nay, anh Thượng đã là thợ lành nghề nhưng vẫn làm ở xưởng vì muốn tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. “Từ tấm gương của anh Chuyền, tôi ngộ ra rằng thời gian là hữu hạn. Nếu chọn không đúng con đường mình sẽ phải tiếc nuối, lãng phí thời gian, công sức, tiền của. Nếu có 1 nghề trong tay và đam mê với nó, mình sẽ thành công với nghề” – anh Thượng bộc bạch.

Năm 2020 có lẽ là 1 năm thành công với chàng thanh niên người Tày. Tháng 8-2020, anh Chuyền thành lập công ty TNHH MTV và Dịch vụ Nhược Chuyền với vốn điều lệ 2 tỷ đồng; ngành nghề chuyên gia công cơ khí, phủ màu kim loại, thi công lắp đặt mái tôn, cung ứng phụ kiện inox cho các xưởng cơ khí khác trong và ngoài địa phương. Trong năm, anh cũng đã xây được ngôi nhà riêng kiên cố trị giá trên 200 triệu đồng; được đoàn viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Phiêng Rào.

Hiện nay, anh Chuyền tích lũy được vốn, chưa cần đến nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Thời gian tới, anh sẽ xây dựng xưởng tại nhà riêng với quy mô lớn hơn, đầu tư thêm các loại máy móc, trang thiết bị. Đồng thời, tiếp sức cho ước mơ của thợ cơ khí Hoàng Văn Thượng là mở 1 xưởng cơ khí, tạo thêm việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bí thư Đoàn xã Năng Khả Hoàng Văn Lang nhấn mạnh, thành công bởi chọn đúng nghề của đồng chí Chuyền là sự khẳng định “Cao đẳng, đại học không phải là con đường duy nhất”. Tấm gương của Chuyền sẽ truyền động lực tích cực cho ĐVTN xã đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, trước việc chọn đúng ngành, đúng nghề để trở thành người có ích cho xã hội.

Ghi chép: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục