Khoảng trời riêng của ”Đôi mắt đợi”

- “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Từ khung cửa sổ ấy, đong đầy hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Đôi mắt còn là “cái nhìn” về nhân sinh quan cuộc sống, để ta biết “Ta là ai”, để ta thấu hiểu đạo làm người... Chọn “Đôi mắt đợi” là tựa đề cho “đứa con tinh thần” thứ 3 của mình, đó là hành trình đi tìm vẻ đẹp cho ngôn ngữ. Nhọc nhằn và chông gai. Buồn vui và cay đắng. Thành công và thất bại. Tôi coi đây là món quà để tri ân vùng đất mẹ Tuyên Quang, nơi tôi uống mạch nước nguồn và là nơi tôi biết vịn vào câu hát để mà lớn lên”. - Cầm trên tay tập thơ “Đôi mắt đợi” vừa được xuất bản tại Nhà xuất bản Văn học vào tháng 10-2021, nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kiêm Tổng biên tập Tạp chí Tân Trào mang nhiều tự sự.

Dưỡng tâm trí bằng hoài niệm

Trước “Đôi mắt đợi”, nhà thơ Tạ Bá Hương đã xuất bản 2 tập thơ: “Dòng sông thời gian” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, xuất bản năm 2001; “Đêm trở giấc” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản năm 2012.

Tập thơ “Đôi mắt đợi” của nhà thơ Tạ Bá Hương gồm 42 tác phẩm với thể thơ phong phú, từ thể thơ tự do, lục bát... Trong đó, có nhiều tác phẩm anh đã sáng tác gần chục năm nay giờ mới công bố. Quá nửa trong số đó được anh sáng tác vào năm 2020, 2021. Tháng 3-2020, rời vị trí Biên tập viên của Đài PT - TH tỉnh để chọn bến đỗ mới là Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh, nhà thơ Tạ Bá Hương được sống chậm lại, được thỏa sức vùng vẫy, sáng tạo nghệ thuật. “Đôi mắt đợi” là quả ngọt sau 9 năm miệt mài đi tìm vẻ đẹp cho ngôn ngữ kể từ “Đêm trở giấc” xuất bản năm 2012.

Nhà văn “Ma làng” Trịnh Thanh Phong nhớ lại, năm 2001 Tạ Bá Hương dự lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi dân tộc do Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Khi đánh giá kết quả trại sáng tác này, nhà thơ Hữu Thỉnh nói với tôi: “Tạ Bá Hương nó như là cái hạt rơi vãi ven bờ đê ấy, nhưng nó sẽ nảy mầm, cái mầm ấy có sức vươn xa đấy, Hội cần chú ý giúp đỡ để nó trưởng thành...”.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong giãi bày thêm, “Đôi mắt đợi” ít nhiều có đem lại cho tôi mong muốn đó. Lẫn vào nhịp điệu thơ của Tạ Bá Hương, tôi cảm thấy giọng điệu trong “Đôi mắt đợi” vẫn là nguồn mạch từ “Dòng sông thời gian, từ “Đêm thức giấc” nhưng đến đây nó như dòng sông chia ra nhiều nhánh chảy. Nhánh tìm về chỗ trong trẻo của suối ngàn để tìm lại những xôn xao đầu nguồn trong điệu Páo dung, những lúng liếng của lời Then, câu cọi tận những nơi bản làng xa vắng. Nhánh lầm lũi bên sườn đồi, xá đất quê mùa nơi anh sinh đẻ, nhánh ngỡ ngàng khắp các địa danh mới lạ trên các nẻo đường quê hương đất mước để rồi cùng tụ về một khát vọng - khát vọng yêu thương, hạnh phúc. Nói điều này không tự ý chủ quan bởi thơ Tạ Bá Hương trong “Đôi mắt đợi” tự có điều đó.

“Tôi là kẻ “ăn mày” hoài niệm, thường nghiền ngẫm và trút lên thi ca về cái cũ, chuyện xưa. Tôi biết ơn tất cả quá khứ, kể cả những gì bất như ý đến với tôi. Tôi biết ơn mười mấy năm làm báo bởi tôi được đi nhiều, gắn bó nhiều với những vùng đất lạ, tôi thấu hiểu và yêu quê hương mình da diết” - nhà thơ Tạ Bá Hương trải lòng. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó, lại là con cả trong gia đình 5 anh chị em, tuổi thơ, tuổi thanh xuân của nhà thơ Tạ Bá Hương là đượm nồng mùi rơm rạ, sắn, khoai; là lấm láp, nhọc nhằn, oằn mình làm thuê, làm mướn. Những năm từ 2008 - 2013, khi ấy, Tạ Bá Hương là phóng viên công tác tại Đài PT - TH tỉnh, anh mang trọng bệnh - suy thận độ 3, hàng tháng mấy lần lọc máu. Rồi anh quyết tâm thay thận để được sống. Hoài niệm của Tạ Bá Hương là cuộc sống khốn khó bủa vây bởi cơm, áo, gạo, tiền; ranh giới sinh tử kề cận, nằm gai, nếm mật. Song anh vẫn chọn nâng niu, trân trọng, nuôi dưỡng tâm trí bằng hoài niệm chứ không phải lãng quên.

Bởi vậy, đó là sự khác biệt, tạo nên tập thơ “Đôi mắt đợi” những vần thơ mang phong cách của một Tạ Bá Hương trữ tình, mộc mạc, dung dị, trầm lắng nhưng phảng phất cái buồn, day dứt, hoang hoải... Song sâu thẳm trong nỗi lòng của Tạ Bá Hương là khát khao tình yêu, sự sống...

Khát khao sống để yêu thương

Bước vào “Đôi mắt đợi”, ta bắt gặp nhiều hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số với sự tảo tần, cam chịu bao sương gió, nhọc nhằn phủ kín đời. Rồi lại lạc vào không gian buồn mênh mông, vô tận của sự đợi chờ, hoài niệm của hoài niệm: Chị lặng lẽ ngồi bên ô cửa sổ/Lặng lẽ khâu lại nỗi niềm đêm/Bên cuộn chỉ nhiều màu sắc/Cuộn chỉ có từ thời xa lơ xa lắc/Ngày chị chưa đi làm dâu/Đôi tay trần huơ lên theo nhịp chỉ/Chị khâu gì đêm nay? (Người phụ nữ bên ô cửa sổ).
Anh lại đớn đau khi nhìn “mẹ” kiên cường giữa cơn thịnh nộ của thiên nhiên: Sau lũ/Mẹ còm cõi nhặt những gì còn sót lại của mùa màng/Trên cánh đồng phù sa ngầu đỏ/Nỗi đau quặn thắt/Mẹ dõi mắt nhìn trời giấu đi nỗi lo (Sau lũ).

Vẻ đẹp của quê hương xứ Tuyên với giá lạnh mùa đông, dòng sông, bến nước, cánh đồng, làn điệu Páo dung, tiếng Then, tiếng kèn, tiếng đàn tính... 

không phải là đề tài mới nhưng đi vào thơ ca của Tạ Bá Hương lại mới mẻ lạ thường. Cái lạ là ở tác giả không dành mỹ từ tô vẽ vẻ đẹp ấy mà lựa chọn ngôn từ dung dị, chất phác, đôn hậu, đượm buồn như chính con người Tạ Bá Hương vậy: Sông thu chảy dọc lưng trời/Tìm ngày cũ những rạc rời sương đêm/Tìm trong chớm lạnh thu xa/Những dâu bể những phôi pha tháng ngày (Sông thu). Phía cải đã ngồng bến vắng/Cho mùa đông bớt đơn côi/Phía em đã ngày xưa cũ/Tôi về lẻ bóng riêng tôi (Chạm vào mùa rét).

Hay với “Mưa đồng làng”, Tạ Bá Hương “Tựa lưng vào phía mưa sang”; anh thả hồn, hân hoan chào đón cơn mưa bất chợt trên cánh đồng, xua đi cái nắng cháy da thịt rồi bất giác nhận ra, cơn mưa ấy làm mẹ thêm tất tưởi ngược xuôi “Mưa hay nước mắt đồng làng đang rơi”. Để rồi, Tạ Bá Hương thấy, dù mùa vàng được hay mất mùa, trong mắt mẹ vẫn đong đầy bão giông: Nỗi niềm cũng nở thành hoa/Mà trong mắt mẹ như là bão quăng.

Tôi nói với nhà thơ Tạ Bá Hương:

- Thơ anh buồn quá! Nhưng cái buồn này cuốn hút quá! Bởi cái buồn đó như con dao khứa nhẹ vào da thịt, nó không khiến người ta “đau” nhưng lại “nhói” để rồi cứ triền miên nhung nhớ và day dứt.

Anh Hương cười bảo:

- Cụ Nguyễn Du đã nói rồi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” Số phận đã từng mang đến cho tôi nhiều niềm đau, nỗi buồn nên thôi đành, tôi “dành dụm” lại và gửi gắm qua từng con chữ. Những ngày xa xưa, cả quãng thời gian dài đối diện bệnh tật, với sự sống, cái chết trong gang tấc, tôi khát khao sống vô cùng! Ôi sao cuộc đời ngắn quá vậy! Thương nhau còn chưa đủ nên hơn đua, giận dỗi, thù hận làm gì? Giờ tôi đã sống khỏe mạnh nhưng trong tiềm thức nỗi buồn vẫn len lỏi. Tôi coi đó là chất liệu để được đằm mình trong nghệ thuật, để tôi được là chính tôi.

Bởi lẽ đó, “đôi mắt” của Tạ Bá Hương thấm đẫm nhân sinh “Đời ai rồi cũng phải một lần… Về cát bụi rồi để lại dương thế chỉ còn là tình yêu thương. Cứ yêu thương đi khi còn hơi thở, yêu ai thì hãy nói, theo đuổi đến cuối cùng”. Bài thơ “Đôi mắt đợi” là sự cổ vũ của Tạ Bá Hương đối với 1 chàng trai khi yêu cô gái Dao từ cái nhìn đầu tiên. Dẫu biết chinh phục được nàng là gian truân lắm: Bao ngày bao tháng/Anh uống nước suối và ăn quả sung/Nước suối sâu không làm ướt tình/Quả sung chát không làm lòng trai mềm yếu/Hướng về con dốc trái tim em.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục