Mây bay mặt hồ

- ... Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô, Gâm tới Na Hang quê em. Ai bay trên không tới miền Thượng Lâm thấy chín mươi chín ngọn núi, đó chính là Na Hang quê em...

Minh họa: Hồng Kiều

Lời bài hát Tâm tình cô gái Na Hang của nhạc sĩ Lê Việt Hòa văng vẳng từ cái loa phát ra ở quảng trường thị trấn, đưa con thuyền từ từ rời bến rẽ sóng trên mặt hồ mênh mông sóng nước, đi qua hàng trăm ngọn núi nhấp nhô trông chẳng khác vịnh Hạ Long trên cạn. Ông Tuấn bỏ kính ra dụi mắt, lòng dạt dào xúc động. Cũng chính tại cái hồ thủy điện tuyệt đẹp nằm giữa lưng chừng trời này, gần 20 năm về trước, ông là kỹ sư xây dựng tại đây, là một trong số hàng ngàn công nhân lao động dưới xuôi lên đất Tuyên Quang, chung tay xây dựng đập thủy điện đầy nhiệt huyết, ngăn nước từ hai dòng sông Gâm và sông Năng, tạo nên một cái hồ rộng trên dưới 8.000 ha. Gần 20 năm sau, hôm nay ông mới trở lại mong muốn gặp cô gái Tày duyên dáng bên khung cửi năm nào - Người con gái Thượng Lâm xinh đẹp mà năm xưa ông đã phải lòng. 

Ngày ấy, khắp công trường xây dựng thủy điện lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp những bước chân người và rộn rã tiếng cười. Những người con gái dân tộc bản địa như Tày, Nùng, Dao v...v hào hứng tới giúp sức nấu cơm, nấu xôi, nấu nước cho những công nhân xây dựng. Trong đó có người con gái Tày nướng cơm lam thật ngon mà hôm nay, sau gần một quãng thời gian khá dài ông Tuấn mới quay trở lại mong muốn được gặp mặt. Sau khi thủy điện hoàn thành, ông Tuấn quay trở về thủ đô mang theo hình bóng người con gái xứ Tuyên xinh đẹp. Cũng bởi ông đã có gia đình rồi. Nhưng suốt bao năm qua, ông vẫn nhớ như in nụ cười tươi như hoa lê, ánh mắt trong như nước hồ thu. Cô buồn lắm khi ngày chia tay người kỹ sư xây dựng tài giỏi đẹp trai gần 40 tuổi phải về xuôi, sau khi đã giúp sức cho quê hương cô có được một công trình thế kỷ. Cô biết người đó đã có gia đình nên không hề níu kéo. Ông Tuấn nhớ lại cái vẫy tay chào đầy lưu luyến ngày ấy của cô trên một con dốc cao. Hai người chả dám đến với nhau, mà giữ mãi trong nhau những hình ảnh đẹp với bao kỷ niệm đẹp trên đất vùng cao nhiều mây trắng. Nghe đâu người con gái đó giờ cũng đã lập gia đình, mưu sinh bằng nghề bán hàng nước và quà bánh ở bến Yên Hoa, ngay cạnh hồ thủy điện cho khách du lịch dưới xuôi lên bơi thuyền, tắm thác, ăn cá Lăng, cá Quất đặc sản. Ông muốn lên gặp cô lắm, coi như một người em, một người bạn đã lâu ngày không gặp, nhất là khi ông mới nghỉ hưu, quyết định lên ngay Tuyên Quang một chuyến. 

Con thuyền từ từ đi qua những ngọn núi đủ hình thù nhấp nhô đẹp như một bức tranh thủy mặc. Hàng đàn chim rừng trăm màu sắc chao lượn trên mặt nước rồi tung cánh mất hút về phía những tầng cây rậm rạp, bên cạnh một vài con thác nhỏ. Ánh nắng mặt trời phản chiếu lên mặt hồ trông không khác một tấm gương khổng lồ trong suốt giữa lưng chừng trời, đâu đó mái nhà sàn in bóng. Một vài du khách trầm trồ ngưỡng mộ trước phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, lấy ngay máy ảnh ra chụp lia lịa. Chả mấy chốc thuyền cập bến Yên Hoa. Ông Tuấn là người cuối cùng bước lên bờ, hồi hộp và rất xúc động một điều gì đó. Ông ngó nghiêng khắp các quán hàng đang tấp nập mua bán để tìm người cũ. Xong ông không nhận ra có ai trong số họ là người ông cần gặp. Tần ngần đến chỗ có chiếc gùi rau dớn của một bà cụ. Ông trìu mến mỉm cười và từ tốn hỏi:

- Xin bà cho cháu hỏi, cô Hoàng Thị Thao có còn bán hàng nước ở đây không ạ. Cô ấy tầm gần 50 tuổi. Da trắng, tóc búi cao. Dân tộc Tày ạ.

- À. Cô Thao. Cô ấy nghỉ bán được ba năm nay rồi. Bà lão người dân tộc Tày có hàm răng đen nhánh nhân hậu trả lời: Giờ nhà có nhiều đồi, về trồng keo trồng quế, kinh tế phát triển lắm. Mà bác là?

- Dạ cháu chỉ là một người quen của cô Thao, từ hồi cháu còn là kỹ sư xây dựng hồ thủy điện này. Lâu lắm rồi cháu mới lại lên thăm... Ông Tuấn thấy mắt hơi ươn ướt: Thế là tốt rồi bà ạ. Kinh tế rừng bây giờ không những giúp xóa đói giảm nghèo, mà còn làm giầu cho người nông dân nữa.

Ông Tuấn tần ngần định chào bà cụ thì bà vội nói:

- Thế bác có muốn vào nhà cô Thao ấy chơi không tôi cho địa chỉ. Chả mấy khi lặn lội lên tới đây...

- Dạ thôi... Ông Tuấn tự nhiên thấy tim mình đập mạnh: Cháu lên chơi hồ là được rồi. Cháu rất mừng khi biết cô ấy đã có một cuộc sống gia đình ổn định.

Một chiếc thuyền lại chuẩn bị rời bến đưa khách quay trở lại thị trấn. Ông Tuấn chần chừ đầy lưu luyến xuống thuyền sau khi đã chào bà cụ. Bà nằng nặc đòi tặng ông mấy bó rau xanh mơn mởn, rồi đứng ngó theo người kỹ sư xây dựng năm nào cùng con thuyền lẫn vào vô số những tia nắng lung linh trên hồ, rẽ sóng giữa mênh mông mây trời. Lúc này mây ở đâu bay về lên nhiều quá, từng đám từng đám in hằn lên mặt nước trong xanh. Ông Tuấn run tay lấy từ chiếc túi khoác mà vẫn đeo bên mình ra một tấm khăn thổ cẩm - quà của người con gái Tày ngày nào trước lúc chia tay, đã tặng cho người kỹ sư xây dựng tài ba trở về xuôi sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ kỷ vật, nó đang nằm trong tay ông đây, sắc thổ cẩm đỏ ối với đường chỉ thêu rõ nét qua năm tháng vẫn thủy chung chưa hề phai mờ... Em mong anh về đây anh ơi. Thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh núi Pắc Tạ anh ơi. Anh từ miền xuôi tới đây, cùng em xây dựng tương lai, anh từ miền xuôi tới đây cùng em xây dựng quê hương đẹp xinh. Na Hang quê em, Na Hang quê em... Lời bài hát vẫn văng vẳng đâu đây lan xa trên mặt hồ ngập nắng làm mắt ông Tuấn nhòe nhoẹt ướt để cho một vài du khách ngạc nhiên nhìn ông. Kìa núi Pắc Tạ bất chợt trông như một chiếc nậm rượu khổng lồ, cảm tưởng như tất cả những đám mây đang bồng bềnh trôi quanh đó và cả trên mặt nước, bỗng biến thành hàng trăm tấm khăn thổ cẩm rực rỡ hơn bao giờ hết...

Truyện ngắn: Dương Đình Lộc

Tin cùng chuyên mục