Người mang đến những bất ngờ

- Trong thời buổi nhiều người mắc chứng bệnh “ngại đọc” thì một cuốn sách, tác phẩm văn học chẳng dễ gì trở thành món ăn trong thực đơn tinh thần nếu nó không thực sự hấp dẫn. Người ta thường mong chờ những tác phẩm “kéo mình đi” hơn là cảm giác phải cố để đọc nó. Với nhiều người, truyện ngắn của Dương Đình Lộc theo một cách riêng đã làm được điều này: văn phong tự nhiên, lối viết lắt léo, kết truyện bất ngờ. Nay, độc giả lại có thêm nhiều điều thú vị khi nghe anh chia sẻ về con đường đến với nghiệp viết lách một cách thoải mái nhất.

Từ những điều lạ...

Hơn 30 tuổi Dương Đình Lộc bắt đầu cầm bút sáng tác văn chương. Điều lạ là cây viết ngoại đạo này không hề bắt đầu tập tành hành văn, chữ nghĩa với thể loại đơn giản hơn mà anh “khởi nghiệp” luôn với viết tiểu thuyết. Một thể loại khó nhất đòi hỏi sự đầu tư, trau chuốt kỹ lưỡng, kinh nghiệm viết và vốn sống dày dặn, từng trải. Vậy mà ngay sau đó tiểu thuyết đầu tay của Dương Đình Lộc lại tạo được một hiệu ứng bất ngờ.

Anh kể lại, “Trong vòng tay chúa” có độ dày gần 500 trang và gần 2 năm thai nghén. Hoàn thành tác phẩm, anh đích thân “gõ cửa” các nhà xuất bản mong muốn nhận được sự tài trợ in ấn. Và việc bị một số nhà xuất bản thẳng thừng từ chối một cây bút lạ là điều chàng trai trẻ lường trước được. May mắn thay vào tháng 1-2012, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin gọi điện thông báo nhận tài trợ in 1.000 cuốn. Anh vui mừng khi “đứa con đầu tiên” sắp chào đời trong cảm xúc ngỡ ngàng của bao người.

Cuốn tiểu thuyết có mặt khắp các nhà sách ở Hà Nội. Anh chăm chú theo dõi hồi âm cũng như sức mua của độc giả. Niềm hạnh phúc lớn dần khi nhận được những dòng email người đọc gửi về chúc mừng, các cuốn sách cứ vơi dần trên các kệ giá theo từng ngày...

Tôi còn biết trong làng văn xứ Tuyên có một nhà văn kỳ cựu sau khi đọc xong tiểu thuyết này vì quá bất ngờ với “hiện tượng lạ” rồi đâm ra nghi hoặc mà đã đến tận nhà Dương Đình Lộc đề nghị được xem bản thảo. Và cuối cùng ông cũng phải tấm tắc khen ngợi, vui mừng cho cây viết trẻ đầy triển vọng trong làng văn xứ Tuyên.

Tác giả Dương Đình Lộc.

Thêm một điều lạ trong nghiệp viết lách ấy, đó là “mối tình đầu” của anh không phải là tiểu thuyết hay truyện ngắn mà đó lại là sáng tác những bài hát chầu văn. Nói đúng hơn đó là những bài thơ uyển chuyển giàu nhạc điệu và ý nghĩa, kể lại nguồn gốc, sự tích, chiến công của các anh hùng dân tộc được phong thánh, các quan lớn, chúa chầu... Đây là một thể loại cực khó đòi hỏi kiến thức hiểu biết uyên thâm về lịch sử, tích truyện cổ, cách dùng từ chính xác, chuẩn mực mà lại mềm mại, lôi cuốn người nghe. Điều đáng chú ý là trước đây hát chầu văn được biết đến với lời hán nôm khó nhớ, khó hiểu thì nay anh đã sáng tác với ca từ phổ thông dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi, thân thuộc đời sống.

Tính đến thời điểm này, Dương Đình Lộc vẫn là một trong những soạn giả hiếm hoi trong nước sở hữu gia tài đồ sộ với hơn 100 bài hát ở thể loại âm nhạc dân gian này. Cuốn sách “Những bài hát văn chọn lọc” ra đời với 40 bài hát được các thanh đồng trong nước nhiệt tình ủng hộ. Nhiều người say mê thực hành, biểu diễn góp phần đưa nghệ thuật chầu văn đến gần hơn với công chúng.

Anh thừa nhận rằng để có được mạch sáng tác văn chương đó là nhờ những năm tháng trai trẻ anh dày công đọc sách, nghiên cứu các ca từ, thực hành hát chầu văn. Các câu chữ như mạch nước ngầm ngấm dần theo thời gian để đến khi chín muồi cảm xúc cứ thế tuôn trào. Các tác phẩm văn xuôi được Dương Đình Lộc thể hiện theo một cách riêng mới lạ nhưng lại chân thực, nguyên thủy nhất. Và độc giả yêu thích điều đó ở một cây viết cá tính này.

... đến vị khách quý và chủ nhà thân thiện

Tiếp xúc với Dương Đình Lộc, nhiều người thấy thú vị với cách nói chuyện khá đặc biệt của anh. Anh vồn vã, nhiệt tình, vui vẻ cởi mở, đôi lúc pha chút đanh đá, lắt léo khiến người đối diện như bị cuốn. Anh thừa nhận rằng, mở đầu con đường văn chương từ 1 cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng chính thể loại truyện ngắn dẫn lối anh đến với cánh đồng rộng lớn trù phú, tuyệt đẹp của văn học.

Anh xuất hiện trên văn đàn với truyện ngắn đầu tiên là “Người đại lý và bông hoa hướng dương” được đăng tải trên Báo Văn nghệ. Đó là một giọng điệu hoài cổ, câu văn giàu hình ảnh, có vần vè khiến người đọc như bị cuốn theo. Bạn văn chương đánh giá anh là người viết theo bản năng. Thực vậy, anh không hề học qua bất cứ một trường lớp dạy viết văn nào và khi viết truyện ngắn anh viết 1 mạch không ngơi nghỉ, mọi cảm xúc đổ dồn rồi nhanh chóng thăng hoa và tuôn chảy...

Anh thừa nhận, viết nhanh là đặc điểm nổi bật của mình. Trong vài ba tiếng các nhân vật lần lượt hiện ra trên trang giấy, đòi một đời sống của chính nó mà ngay cả người viết cũng không thể can thiệp được. Có những câu chuyện lúc đầu hoàn toàn mờ mịt về đường dây nhưng rồi càng viết càng sáng tỏ, càng mạch lạc. Giống như có một sự sắp xếp vô thức nào đó khó lý giải.
Đến nay, Dương Đình Lộc sở hữu hàng trăm truyện ngắn. Đó là những tác phẩm tái hiện nhiều mảnh đời với những tâm sự, nỗi niềm riêng. Nhân vật là những cụ già nghèo đói, anh sinh viên, ông luật sư, cô sơn nữ vùng cao... Tất cả được thể hiện với một giọng điệu tự nhiên, lắt léo, lôi cuốn cốt chuyện độc đáo, kết truyện bất ngờ.

“Chiếc vòng bạc” là truyện ngắn được viết sau chuyến đi thực tế tại Sapa. Hình ảnh chị Seo Ly và chiếc vòng bạc óng ánh đẹp đẽ được miêu tả thật tinh tế. Cách phân tích diễn biến tâm lý nhân vật sâu sắc, đặc biệt là tâm trạng rộn ràng phơi phới của phụ nữ người Mông trước khi xuống chợ. Lòng Seo Ly rạo rực ngắm chiếc vòng bạc óng ánh với niềm tự hào, hãnh diện. Khi được những vị khách nước ngoài trầm trồ, khen ngợi và có ý định mua chiếc vòng bạc với giá bằng nửa tấn ngô. Sự giằng xé trong tâm lý Seo Ly, giữ lại của hồi môn hay bán đi: Hồi hộp, thảng thốt, sắp khóc... Nhưng cuối cùng Seo Ly cũng bán với giá hai trăm đô, chị trở về với tâm trạng lo lắng bị mẹ chồng của trách mắng. Rằng con dâu là người tham tiền, coi thường kỷ vật không biết trân trọng giá trị văn hóa. Nhưng câu chuyện khép lại bằng cái kết thật bất ngờ, bà mẹ chồng vui vẻ bảo: “Có gì đâu mà kỷ vật với hồi môn gì, cái vòng đấy tôi bảo ông Vàng Sủa thợ rèn làm cho đấy, toàn bằng nhôm cả thôi...”. Truyện ngắn gửi đến thông điệp ý nghĩa: cơ chế thị trường đang xâm lẫn nơi miền sơn cước, nét đẹp văn hóa dân tộc dần bị phai mờ. Đó như một lời cảnh tỉnh cho nhà nghiên cứu văn hóa.

Hay như truyện ngắn “Tình bạn” là câu chuyện giữa một nghệ sĩ tuồng và một doanh nhân kếch xù. Tính cách, quan điểm sống khác nhau tạo nên hai tuyến nhân vật đối lập, thế nhưng ở họ lại tồn tại một tình bạn thật đẹp. Cách dẫn dắt câu chuyện rất tự nhiên, những câu văn có chút đanh đá, chao chát tạo nên hấp dẫn riêng. Cũng là một cái kết bất ngờ, câu chuyện khép lại với một buổi biểu diễn nghệ thuật thành công, hoành tráng mà ông doanh nhân đã giấu bạn mua tất cả số vé. Tiền đã mang khán giả đến với đêm diễn, thế nhưng bằng tài năng thực sự người nghệ sĩ đã lôi cuốn được hàng nghìn người. Tiếng vỗ tay, hò reo, cổ vũ... Chứng kiến cảnh tượng ấy, người doanh nhân đã nhận ra giá trị đích thực của nghệ thuật. Mỗi truyện ngắn của anh mang đến cho người đọc những trải nghiệm bất ngờ thú vị, gửi gắm thông điệp ý nghĩa qua giọng văn kể tả, câu văn nhạc điệu lôi cuốn.

Cách đây hơn chục năm, cánh cửa sáng tác văn học mở ra, Dương Đình Lộc như vị khách quý ghé thăm rồi bỗng chốc tìm được mảnh đất riêng cho mình, trở thành vị chủ nhà thân thiện, mến khách. Vậy mà không dừng lại đó, anh lại tiếp tục tạo thêm bất ngờ khi lại trở thành “vị khách quý” của nghệ thuật sân khấu. Mới đây, tuyển tập kịch “Bộ ba tác phẩm công thần Triều Lý” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được ấn hành tạo tiếng vang. Đây là tuyển tập kịch đầu tiên của Tuyên Quang và khi cuốn sách đến với nhà viết kịch Việt Nam như Lê Quý Hiền, Thượng Luyến thì họ đều đánh giá cao, “có nghề”, có thể sử dụng để công diễn rộng rãi.

Vậy là, người yêu văn học nghệ thuật xứ Tuyên có quyền hy vọng thêm nhiều điều bất ngờ ở tác giả Dương Đình Lộc. Chúng ta dõi theo và đón nhận, trân trọng thành quả nghệ thuật của anh, mong cho một cây bút trẻ xứ Tuyên vươn xa hơn trên văn đàn Việt Nam.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục