Nhà thơ Gia Dũng: Trọn một kiếp “si tình” thi ca

- Nói về cố nhà thơ Gia Dũng có những giai thoại văn chương mà nhiều người nhắc đến trong sự ngạc nhiên và không khỏi cảm phục. Bạn bè vẫn thường ví ông là một trong những người đàn ông “si tình” trọn kiếp cho thi ca. Ông đã để lại cho đời nhiều tuyển tập thơ đồ sộ với hàng nghìn trang. Cảm hứng ấy như một mạch nguồn dạt dào được ông nuôi dưỡng suốt cuộc đời để cống hiến, ghi danh trên thi đàn nước nhà.

Vang mãi “Bài ca Trường Sơn”

Trong những năm tháng giai đoạn 1968 -1975, cả nước hừng hực khí thế quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, “Bài ca Trường Sơn” đã thổi bùng lên ngọn lửa ý chí quyết chiến quyết thắng trong quân và dân ta. Với lớp lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Bài ca Trường Sơn đã trở thành bài “tủ” và luôn được các chiến sỹ hát vang trên đường hành quân. Lời hát như luồng gió mát, dạt dào lý tưởng cách mạng, thổi vào khát vọng phơi phới của lớp trẻ.

Và đã hơn nửa thế kỷ ngày hôm nay được sống trong hòa bình, thế nhưng mỗi khi giai điệu của “Bài ca Trường Sơn” ngân vang, trong lòng mỗi người lại trào dâng xúc cảm đặc biệt: phơi phới niềm tin, kiêu hãnh, tự hào về các thế hệ cha anh; xúc động, tự hào về quê hương, đất nước. Với sức sống mãnh liệt qua thời gian, “Bài ca Trường Sơn” được nhiều người khẳng định là một trong những ca khúc cách mạng hay nhất trong những năm đánh Mỹ. Bằng cảm xúc mãnh liệt của lòng yêu nước nhà thơ Gia Dũng đã viết nên những ca từ hào hùng, bất hủ đó. Tác phẩm đã góp phần ghi danh tên tuổi cho tác giả.

Tháng 4-1965, Gia Dũng gia nhập quân đội ở một Trung đoàn bộ binh cơ động, sau đó đơn vị hành quân vào chiến trường với biết bao gian khổ, mất mát. Để giữ vững tinh thần cho chiến sỹ, trung đoàn trưởng… cho gọi các hạt nhân văn nghệ tập trung sáng tác thơ ca, chép các bài hát hay, in ti pô xung kích chuyển tới các trung đội, tiểu đội.

Tác giả Gia Dũng (thứ 5 từ phải qua) trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh năm 2016.

Gia Dũng viết bài thơ “Trường Sơn” chính trên con đường mà ông cùng đồng đội đang bước. Bài thơ 28 câu, thể tự do, đầy không khí lạc quan, tin tưởng. Ông đã thay mặt một thế hệ người Việt Nam viết nên cảm xúc, hào khí của người lính. Những chi tiết trong thơ vừa ước lệ vừa mang tính khái quát rất cao. Quá khứ hào hùng được cài vào sứ mệnh cao cả mà thấm đẫm cảm xúc, tinh tế. Các khổ thơ như những toa tàu, kết nối, tương tác cho ý thơ sáng lên hình ảnh của Việt Nam.

Bài thơ ấy chuyển ra miền Bắc, được in trang trọng trên Báo Nhân Dân. Rồi được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc. “Bài ca Trường Sơn” như được thăng hoa, vang xa tới mọi miền đất nước qua giọng ca hào sảng của nghệ sĩ Quốc Hương trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc đó đã góp phần thúc giục bao thế hệ thanh niên ra trận góp sức cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.    

Người “buôn” thơ  

Người “buôn” thơ, “Cửu vạn” thơ… là cách nói vui mà cánh nhà báo Trung ương thường dành cho nhà soạn giả Gia Dũng bởi cái sự cần mẫn, chăm chỉ, kiên trì và tình yêu lớn dành cho thơ của ông.

Đối diện với ông nhiều người khá ấn tượng với áo bay cũ kỹ thời lính, tính cách thì vô cùng kiêu bạc. Vậy nhưng khi biết Gia Dũng nhiều năm liền sống ở nhà thuê, đi bộ và đi xe ôm khắp xứ, ăn toàn bánh mỳ, uống nước máy... và làm những bộ tuyển thơ đồ sộ thì biết bao người nể trọng, khâm phục.

Bạn văn chương từng bảo, Gia Dũng yêu thơ hơn cả bản thân mình. Mà đúng thế! Gia đình vợ con sinh sống ở Tuyên Quang thế mà ông lại về Hà Nội suốt mấy chục năm nay để làm được sống trọn đam mê. Có quãng thời gian, ông sống khá chật vật, một mình lang thang sưu tầm chọn lọc, gặp gỡ thi nhân làm các tuyển tập thơ đồ sộ vào bậc nhất... Chỉ chừng ấy thôi đã phải nể phục một người tôn vinh thơ, yêu thơ đến vô cùng.

Nhà thơ Thái Thành Vân cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay Gia Dũng đã xuất bản 14 tập thơ riêng; đã sưu tầm biên soạn, tìm kinh phí xuất bản 30 tuyển tập, hợp tuyển thơ và đã biên soạn khoảng 20 đầu sách thơ khác. Tất cả chỉ một mình ông kiên trì, lầm lũi làm việc. Nếu không có sự đam mê, sự dấn thân đến thua thiệt thì không bao giờ làm được như vậy.

Sách của ông chỉ mấy cuốn thơ mỏng từ 60 đến 100 trang in, nặng chỉ 0.2 kg nhưng có rất nhiều cuốn khủng, dày từ 500, 700, đến hơn 2.000 trang in - có những bộ sách nặng đến 7 kg, in trên giấy tốt, bìa giả da, có hộp đựng quai xách sang trọng. Đến nay với sự làm việc khủng khiếp, Gia Dũng đã có khoảng 13.000 trang in với những tuyển tập, giá trị tầm cỡ quốc gia, quy mô hoành tráng đẳng cấp quốc tế. Có bộ đã đạt giải Bạc Hội xuất bản Việt Nam, có cuốn được đưa vào kỷ lục Guinness sách Việt - Nhiều cuốn được phát hành sang các nước như Hoa Kỳ, Canada, Ba Lan, Hung-ga-ri…

Có thể kể một số tập tiêu biểu như: Chúng tôi đánh giặc và làm thơ (2 tập), Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam TK XX, Thơ Việt Nam 1945 - 2000, Ngàn năm thương nhớ (Thơ Việt Nam từ TK X đến TK XX - Nhân kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội - dày 2.005 trang), Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ (dày 1.582 trang), Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ, Trời Nam thương nhớ (Tuyển thơ Nam bộ xưa & nay). Và đặc biệt là bộ Ngàn năm thơ Việt (2 quyển dày 3.030 trang). Gần đây nhất là hợp tuyển thơ  Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ - NXB Văn học (của 361 tác giả xưa và nay với 989 bài - sách dày 2.020 trang).

Cùng với việc biên soạn những tuyển tập lớn, ông còn đi làm các tuyển tập thơ cho nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều đơn vị quân đội, như Vườn Thanh (Tuyển thơ Thanh Hóa), Thơ tình Đà Lạt, Nhà giáo - nhà thơ (Tuyển thơ ngành Giáo dục), Văn chương Thái Bình mười thế kỷ, Đường về xứ Nghệ...

Suốt cả cuộc đời, cố nhà thơ Gia Dũng luôn dành nhiều tình cảm, trăn trở với sự phát triển văn học nghệ thuật Tuyên Quang. Sinh thời, dù đã chuyển về Hà Nội hàng chục năm nhưng ông vẫn thường xuyên đến giao lưu, trò chuyện tâm tình với anh em văn nghệ sỹ xứ Tuyên. Có lần tôi vô tình hỏi ông: “Bác đến Tuyên lâu chưa”, Gia Dũng vội đính chính ngay: “Phải nói là Bác về Tuyên lâu chưa?”. Ông giải thích: “Hỏi như thế mới đúng bởi với tôi Tuyên Quang là quê hương, đây như là mái ấm để tôi trở về sau những tháng ngày lặn lội phương xa”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục