Qua sông

- Thiên có cái thú là hay về làng vào ban đêm. Ở đâu người ta kêu nắng nóng, biến đổi khí hậu thì chả biết chứ ở quê của anh vẫn là một vùng xanh mát.

Con sông về đến đây thì dềnh dàng ra một bãi phù sa màu mỡ, mấy cái xóm chụm lại thành làng, bóng tre, bóng đa, xanh mát. Dưới bãi, đậu, lạc, lúa ngô không bao giờ cho đất ngơi nghỉ. Có lần đi xe máy về dưới bóng trăng thu, Thiên còn tạt xuống phía chân cầu treo rửa chân tay, né nước cho chiếc xe sạch sẽ rồi đánh một giấc trên phiến đá xanh xong mới về làng.

Tới nhà, mẹ xới cho anh bát cơm nóng ăn với canh măng chua nấu cá sông, mẹ lo lắng hỏi sao về muộn, Thiên chỉ cười: “Làng này, ai chẳng biết con hả mẹ”.

Đúng là cho đến giờ, cả làng mới có mình Thiên đỗ đại học. Từ ngày có cái cầu treo bằng sắt chắc chắn, đường bê tông cứng hóa, dân làng Niềng cảm thấy như được kết nối chặt chẽ với cả huyện. Con gà, bó rau có thể đem ra chợ huyện bán lấy tiền thay vì tự cung tự cấp. Điện lưới, các mặt hàng thiết yếu được đưa về từng ngõ xóm khiến cuộc sống ở đây tươi sáng hơn. Ấy vậy mà lũ trẻ con thì vẫn chưa đứa nào học quá lớp 12. Người ta bảo, do phải đi xa, do nhận thức của chúng và cả do nết đất nữa.

Minh họa: Hồng Kiều.

Tối nay, đường quê bỗng tối mù mịt, trời nổi gió như sắp có giông. Kiểu gì cũng phải qua được sông chứ nếu mưa cả đêm thì chỉ còn nước… ngủ rừng. Thực ra hôm nay anh cũng thấy nóng ruột. Từ ngày chị gái lấy chồng bên này sông,  mẹ anh lủi thủi một mình ở nhà. Anh kéo ga phóng hết cỡ, đường quê giờ vắng tanh. Xe đang leo lên con đường dẫn lên cầu thì có tiếng người gọi với trong đêm:

- Anh ơi em đi… với.

Theo phản xạ, Thiên hơi giảm ga xe, nhưng đêm hôm thế này còn ai lỡ độ đường mà đòi đi nhờ. Đường khuya, đêm vắng… tiếng gọi ấy khiến Thiên thấy lạnh sống lưng. Cái xe bị dừng đột ngột đâm ra chết máy. Một cái bóng lao đến nhảy tót lên yên sau, chẳng biết là người hay là ma cứ thế giục cuống:

- Đề lại đi, lốc đến nơi rồi!

- Chết đề từ lâu rồi.

- Trai thành phố mà để…  máy móc thế, đạp mạnh lên.

Hình như mấy câu vu vơ ấy làm Thiên tự ái, chân đạp mạnh, máy nổ. Anh vào số, kéo ga, chưa kịp cảm nhận phía sau lưng có hơi thở ấm hay không thì một trận gió đã thốc vào mặt. Xe qua cầu treo bụi làm mắt anh tối sầm. Người ngồi sau xe nhoài người lên nắm lấy tay lái giúp anh giữ thăng bằng. Sang đến bên kia sông, dường như mới hoàn hồn, Thiên nói với cái bóng phía sau:

- Cô... cô… là ai thì cũng làm ơn, làm phúc xuống đi, tôi còn có việc.

Phía sau bỗng vang lên tiếng cười khanh khách khiến Thiên càng hoảng, lấy hết can đảm anh dừng xe, quay lại nhìn thì cái bóng ấy đã lao vút về con đường bê tông mới mở.

Thiên về đến nhà thì mới hay tin mẹ anh bị cảm và ngã, dì Thảo đã đưa mẹ ra trạm y tế từ chiều. Lần này thì quên cả sợ hãi anh lại phóng xe qua cầu tìm sang trạm y tế xã. Mẹ anh đã có vẻ khá hơn, chân được băng bó cẩn thận, thấy con trai về bà mừng ra mặt:

- Đấy, học cao như anh chon von như cây xoan, mẹ lại chả được nhờ. Chúng nó như cái cây thấp có bóng mát. Các bà tuổi mẹ ở làng này đều có con dâu đi tưới rau, đi nhổ lạc, mẹ cố vì anh thế này cũng mỏi lưng, chùn gối lắm. Anh đã nghĩ ra cách gì chưa?

- Sau đợt này con sẽ tìm mua thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe. Giờ bệnh nào có thực phẩm bổ trợ là khỏe ngay mẹ ạ.

Dì Thảo lườm Thiên:

- Đưa mẹ cháu đến đây, dì lúng túng chả biết làm gì, hai cô y tá cũng mới ra trường, may có chị gì cán bộ thực tập ở xã vừa vào đây chắc cũng là có chuyên môn, vừa giải cảm cho mẹ, vừa sơ cứu lại chỗ đau, chắc mai là đỡ thôi.

Cô y tá chỉ vào căn phòng bên trong, nơi đèn vẫn sáng, có một người đang ngồi làm việc:

- Híc, anh vào cảm ơn ân nhân đi, không mất lòng “người đẹp” là căng lắm đấy, người đẹp phải vượt mưa gió sang đây vì mẹ anh…
Thiên tiến lại gần cửa phòng đánh tiếng. Người đó có vẻ đã biết nhưng vẫn ngồi quay lưng lại, mặt đang hướng vào màn hình chiếc laptop. Thấy thế anh chỉ chào hỏi rồi buông câu cảm ơn, định bụng quay đi…

- Anh kia, định cứ thế… về luôn à

- Thì tôi…

- Không có gì là miễn phí cả nhé, sáng mai anh qua đây, giúp tôi một việc.

Mưa tạnh, Thiên đưa mẹ về, đắp chăn cho mẹ xong lên giường nằm, sợ mẹ lo anh không dám hỏi xem còn dịch vụ hay khoản phí nào ở đây mà nhà mình chưa thanh toán…

Đúng tám giờ sáng hôm sau, Thiên bước vào trạm y tế xã thì thấy một cô gái mặc quần jean, áo thun đơn giản như sinh viên, anh chưa biết xưng hô thế nào đã thấy hai cô y tá cười khúc khích và lỉnh đi đâu mất.

- Anh… (cô ta có vẻ chưa hiểu Thiên đến đây có chuyện gì?).

- Tôi là con trai bà cụ hôm qua,  may mắn được các cô…

Sắc mặt cô gái bỗng thay đổi, nhìn lướt mặt Thiên rồi lại ngoảng ra phía sông, rồi lên tiếng vẻ nghiêm trọng:

- À, vâng, thì ra... mà anh cũng rụt rè phết nhỉ? Anh có bằng Đại học Sư phạm, chưa lập gia đình, lại đang thuộc diện quần chúng ưu tú phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng…

Thiên thấy hoảng. Quái, cô này là ai mà việc gì của mình cũng biết, chưa kịp thắc mắc thì cô ta lại lên tiếng:

- Đấy, thế là anh vừa có trình độ, hiểu biết, vừa đang son rỗi, thế giờ chắc anh sẵn sàng làm xe ôm giúp đỡ người dân như em chứ?

- Vâng - Thiên đáp theo phép lịch sự, mắt vẫn hướng vào bên trong trạm có ý tìm thêm ai đó.

- Anh định tìm bóng hồng nào nữa sao? Cả trạm từ đêm qua đến giờ chỉ có hai bông hoa đã có chủ và bản cô nương này…

Xế trưa, Thiên đã phải làm xe ôm bắt đắc dĩ cả thảy năm lượt qua sông. Anh phải thồ toàn những cái hộp carton nặng trịch không biết bên trong đựng thứ gì? Xong chuyến cuối cùng, anh lại phải quay lại trạm y tế để mang ít hoa quả mà mẹ anh cảm ơn các cô ngoài đó. Trước một cô gái đẹp, vừa là người đồng hành, vừa là ân nhân đêm qua, Thiên chẳng biết nói gì đành kiếm chuyện:

 - Tôi đi học qua con sông này từ lúc còn cái cầu phao bằng gỗ, giờ có cầu treo sắt các cô đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, tiếc là từ đó đời sống văn hóa người dân vẫn chưa được cải thiện.

- Là tại họ cũng như anh đêm qua ấy, không dứt khoát qua cầu. Người ở phố xá mà máy móc phương tiện còn tạm bợ, qua quýt không sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất thì làm sao mà…

Thiên bắt đầu ngờ ngợ, hay cô ta chính là cái người bí ẩn nhảy lên xe mình mà lại còn… sợ ma nữa.

- Thế cô mua gì mà toàn thùng hàng nặng thế. Định di chuyển cả thành phố về nông thôn đấy hả?

- Anh biết không? Đấy là tất tật các thứ em xin và mua được. Trong suốt mấy tháng thực tập ở đây, em thấy bà con mình ở đây cơ bản đã thoát nghèo nhưng để thay đổi nhận thức thì còn nhiều việc để làm hơn nữa. Anh là người có học vấn duy nhất ở vùng này mà đến cả người ngồi sau lưng mình còn không nhận ra thì sao biết những điều đó?

- Tại đêm qua, em cứ như ma đuổi ý…

- Em lúc nào chả như ma đuổi. Đấy là hôm qua xe hỏng chứ nếu không mỗi ngày dù nắng hay mưa em đều sang sông bao nhiêu lần, được gần người dân nên em biết bà con thiếu gì, cần gì? Mai em phải xa nơi này rồi mà còn bao việc chưa làm được.

Thiên thấy cô gái nói cũng đúng, bao năm nay, anh cũng muốn làm được điều gì đó với bà con mà mình chưa nghĩ ra được cách gì… Giờ đây được gặp cô gái xinh đẹp có cùng ý tưởng thì lại phải tạm biệt, anh thấy phải làm gì đó để níu giữ lại:

- Thế nếu anh có ý tưởng về một chương trình hoạt động của thanh niên thành phố về giúp làng anh, anh sẽ mời em tham gia nhé!

- Thế giờ anh đã có ý tưởng nào chưa?

- Anh chưa nghĩ ra ngay bây giờ nhưng anh tin nếu những người trẻ cùng kết hợp lại sẽ giúp cuộc sống được cải thiện. Mỗi người trẻ như một sợi dây cùng góp sức sẽ giữ cho cây cầu trụ vững mở ra hướng đi cho bà con.

- Được đấy? Em sẽ đợi ý tưởng của anh. Lúc ấy em sẽ đợi anh ở gốc đa kia rồi mình cùng sang sông anh nhé…

Thiên cảm thấy dòng sông bao năm nay vẫn chảy qua làng mình hôm nay bỗng duyên dáng và ý nghĩa vô cùng…

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục