Tiếng chổi lúc rạng sáng

- Cứ khoảng 4 giờ sáng, tiếng chổi tre của người quét rác ngang qua nhà lại vang lên. Dù cửa đóng kín, tiếng chổi giữa lúc thanh vắng rõ mồn một làm tôi không ít lần chợt tỉnh giấc. Những ngày mùa đông, tiếng chổi xa dần, tôi nhiều khi vẫn không thể ngủ lại. Nghe gió trở thổi hun hút bên hiên, tôi tặc lưỡi gạt bỏ ý định chạy bộ tập thể dục và kéo chăn phủ kín đầu, không muốn nghĩ đến việc ra ngoài trong giá rét.

Con đường qua khu phố tôi ở, việc dọn vệ sinh của công nhân môi trường đô thị diễn ra vào buổi sáng sớm. Tôi không biết người quét rác đã lớn tuổi hay còn trẻ, bởi bao giờ người đàn bà ấy cũng mặc đồ bảo hộ, nón đội sùm sụp và khăn choàng kín mặt. Thực ra tôi cũng không mấy để ý, vì cư dân ở đây phần đa là người lao động, đi sớm về muộn liên miên, nếu không có những liên quan nào đấy thì khó có thể quen biết hết họ.

Một lần dọn dẹp nhà cửa, mẹ tôi soạn các thứ không còn dùng đến và lỉnh kỉnh đủ loại chai lọ nhựa cho vào những túi riêng và bảo:

- Cô quét rác tên là Thủy, nhà ở đầu phố, anh chồng không may bị bệnh, chạy chữa nghe nói cũng tốn. Mẹ bảo nó lọc mà bán đồng nát, thêm thắt vào đồng lương…

Vợ chồng tôi ở với mẹ, mọi việc một tay mẹ quán xuyến, tôi chả cần để tâm đến nhà cửa và việc thu dọn rác. Buổi ấy ngày nghỉ, tôi đang cắt tỉa cây cảnh bên thềm thì chiếc xe rác do một cô bé đẩy đi qua, thi thoảng chổi tre khua loẹt quẹt. Chợt tiếng người đàn ông gắt gỏng:

- Mù à? Xe tao vừa rửa xong…

Cô bé đang quét bên chiếc xe ô tô bóng loáng đậu trước cửa tiệm tạp hóa ấp úng:

- Cháu xin lỗi, cháu không cố ý.

- Không cố ý... Mày nhìn xem. Kiếm giẻ lau sạch cho tao.

Thì ra trận mưa đêm để lại bên vỉa hè vũng nước nhỏ, cô bé quét mạnh sơ sểnh làm mấy hạt bùn bắn vào đuôi xe. Thấy cô bé luống cuống không tìm đâu ra giẻ, tôi bước ra rút khăn mùi xoa trong túi lau vết bẩn và nói với người đàn ông:

- Cháu nó lỡ tay, anh thông cảm cho cháu.

Thấy hành động của tôi, người đàn ông có vẻ ngượng, dịu giọng:

- Anh không phải thế. Nó làm nó khắc chịu.

Chiếc xe vừa nổ máy đi, cô bé đã cúi đầu cảm ơn, mắt ngân ngấn nước. Tôi ngạc nhiên:

- Sao cháu lại quét vào giờ này?

- Mẹ cháu đi làm bị xe máy va phải đang nằm viện, công ty chưa có người thay, cháu đi học về làm cho mẹ. - Nhìn chiếc khăn tôi cầm trên tay, cô bé ái ngại: - Khăn của chú…

Tôi phẩy tay cho cô bé yên tâm:

- Bẩn thì giặt có sao. Chú cũng lao động đây nhóc ạ!

Thực ra, không phải tôi kịp nghĩ cảm thông chia sẻ gì với cô bé quét rác, hoặc do chiếc xe sang trọng quá đỗi. Chính thái độ ngạo mạn, hống hách của người lái xe làm tôi ngứa mắt, rút chiếc khăn ra. Lát chăm cây cảnh xong đằng nào tôi cũng tắm giặt. Chẳng nặng nhọc gì việc giặt chiếc khăn.

Hơn một tuần chiều nào cô bé cũng đi quét rác. Cũng may mẹ cô bé không bị nặng nên ít ngày sau tôi lại nghe tiếng chổi lúc rạng sáng.

Mẹ tôi kể chuyện cô quét rác bị xe máy tông và ca thán:

- Rõ khổ! Trước đây nó quét dọn buổi chiều, chả hiểu công ty nghĩ thế nào lại bắt công nhân làm đêm, làm hôm.

Tôi đáp cho qua chuyện:

- Mẹ cứ hay lo đâu đâu. Làm chiều xe cộ nườm nượp còn nguy hiểm hơn. Quét dọn sáng ban ngày đường phố mới sạch sẽ.

- Nhưng đèn đóm nhập nhoạng, ai biết đâu mà lần hả con.

- Đèn đường có tối đâu mẹ, chỉ có người ta đi ẩu.

Tôi hoàn toàn không để ý đến người phụ nữ quét rác, dù nhiều bận chạy tập thể dục đến cuối khu phố gặp cô lặng lẽ đẩy chiếc xe chất đầy rác vào nơi tập kết. Có lẽ cô cũng như tôi và bao người khác, ai cũng có một công việc để mưu sinh. Cho đến một ngày…

Chiều hôm đó tôi vừa đi làm về, đang cởi áo định ra vườn chỉnh lại thế cây thì một người thanh niên thập thò bên cánh cổng nửa muốn vào, nửa muốn bấm chuông báo hiệu. Thấy tôi bước ra anh mừng rỡ, đưa cho tôi gói giấy nhỏ:

- Đúng là anh rồi. Em là chồng cô Thủy quét rác khu phố ta, Nhà em gửi lại anh…! Trong này có hơn ba triệu, mấy bức ảnh và chiếc thẻ đoàn viên Công đoàn. - Tôi ngớ người, không rõ mình đánh rơi ở đâu, anh mỉm cười: - Anh để quên trong ngăn cặp bỏ ở túi rác. Nhà em thấy còn tốt mang về cho cháu đựng sách vở đi học. May anh có mấy bức ảnh nên nhà em bảo đúng là cặp của anh.

Tôi chợt nhớ tuần trước, thấy chiếc cặp của mình hơi to và đã cũ, chẳng mấy khi đựng nhiều giấy tờ, xách đi làm chỉ tổ nặng tay, tôi liền sắm chiếc cặp nhỏ thay thế. Khi bỏ chiếc cặp đi, tôi không nghĩ bên trong lại còn một ngăn phụ. Tôi không nhớ mình đã đút tiền vào đó khi nào. Có thể dịp cuối năm liên hoan tổng kết liên miên, lại có những khoản tiền tài vụ chi thêm ngoài lương, nên tôi tiện tay đút vào và quên khuấy đi mất. Chiếc thẻ đoàn viên Công đoàn tôi cũng mới được cấp lại, sợ lẫn vào nhiều loại giấy tờ khác tôi cố ý để riêng…

Tôi mời chồng cô Thủy vào nhà, anh vội cáo từ:

- Em đi làm về, người ngợm đầy dầu mỡ. Thôi xin phép anh.

Nếu không được trả lại, đằng nào tôi cũng đã quên. Tôi cảm ơn và đưa một nửa số tiền cho người thanh niên. Như thể nghĩ tôi trả ơn, anh giẫy nảy:

- Ấy chết! Tiền của anh sơ xuất để ở đấy, vợ em nó gửi lại, em lấy của anh sao được.

Tôi thực sự áy náy và cảm động, không biết lấy gì đền đáp lòng tốt của vợ chồng anh. Chiếc thẻ đoàn viên Công đoàn và mấy bức ảnh lưu niệm cá nhân với người ngoài dĩ nhiên không có tác dụng, vợ chồng cô có thể bỏ và sở hữu tiền ấy, bởi chiếc cặp tôi đã vất vào thùng rác. Tôi nghĩ chỉ những người có nhân cách và lòng tự trọng mới làm như vậy.

Sau buổi lễ phát động thu gom và phân loại rác tại nguồn của khu phố, Chi hội Phụ nữ đã tổ chức phong trào “Phố sạch, nhà đẹp” và hàng tuần tham gia quét dọn. Tôi có dịp gặp gỡ và trực tiếp cảm ơn Thủy khi cô đại diện chi nhánh công ty tới vận động các gia đình cho rác thải cho vào ba túi; một túi rác hữu cơ, một túi đựng rác vô cơ và một túi đựng rác thải nhựa. Không phải bây giờ mà bấy lâu nay nhiều gia đình cũng đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên mới chỉ dùng hai túi đựng… Tôi đinh ninh cô có thể tận dụng được những vật dụng thải loại gì đó bán đồng nát phụ vào đồng lương ít ỏi cho việc chi tiêu.

Tuy nhiên tôi lại ngỡ ngàng khi trong Ngày hội Đại đoàn kết, ông tổ trưởng dân phố công bố số tiền bán các dụng cụ nhựa, đồ phế thải vô cơ khác của khu phố do cô Thủy, người quét rác đại diện chi nhánh công ty môi trường chuyển đến ủng hộ quỹ khuyến học…

Tôi không rõ cuối năm con của cô có trong diện được động viên hay không, nhưng không dám nêu ý kiến. Những người như vợ chồng cô chắc chắn không muốn con mình có sự đặc cách nào đó.

*  *  *

Mỗi sớm, khi ánh nắng ban mai bừng lên, dòng người và xe cộ nườm nượp lưu thông trên đường, con phố tôi ở ánh lên màu áo mới thật tinh khôi. Có lẽ ít người nhớ lúc rạng sáng, tiếng chổi tre đã đều đặn lăn dài. Với tôi, tiếng chổi ấy mang cả tình người, tình đời.

Truyện ngắn: Phan Thái

Tin cùng chuyên mục