Tự tình với “tân, chân, thiện, mỹ”

- Ngày 26-11, tác phẩm “Khám phá Lâm Bình” đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ảnh về Lâm Bình năm 2020 của tác giả Hà Thế Đô được đi dự triển lãm “Việt Nam qua ống kính của nhiếp ảnh gia quốc tế” do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội. Đây là tác phẩm duy nhất của tỉnh ta tham dự triển lãm, cùng với sự góp mặt của 177 tác phẩm, 93 tác giả thuộc 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hạnh phúc, vinh dự, nhưng cách mà Hà Thế Đô ăn mừng thành công của mình cũng rất “đạm bạc” - ông ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ, châm điếu thuốc lá rồi ngắm nhìn tác phẩm ấy thật lâu...

“Gác máy” để trồng người

Tôi cứ mường tượng, khi bước vào căn phòng của người nghệ sỹ “say” nghề nhiếp ảnh như Hà Thế Đô sẽ là một không gian sắc màu, ngập tràn sức sống về con người, mảnh đất Tuyên Quang trên mọi nẻo đường ông đi qua. Nhưng những gì được thấy lại không như vậy. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang ở phố Xã Tắc, phường Tân Quang, trong căn phòng nhỏ chừng mười mấy mét vuông, trên tường treo vài ba bức ảnh khổ vừa mà đã làm nên tên tuổi của ông. Tôi ấn tượng với Hà Thế Đô bởi sự mộc mạc, giản dị trong lối sống. Đối lập hoàn toàn với nội tâm của ông - một tâm hồn phong phú, luôn khát cầu cái mới, cái độc lạ trong từng đứa con tinh thần của chính mình.

Trước khi được biết đến ông, người ta biết ông là thầy giáo dạy môn Toán học, môn Tin học. Cái thời bao cấp, nghề giáo cũng nghèo khó như nghề nông vậy. Để vượt qua mọi gian khó trong cuộc sống, ông vừa dạy học, vừa buôn bán thêm để kiếm kế sinh nhai. Song, ông luôn khát khao có thêm  nghề tay trái nào đó để mà yêu thích nó, để có thể vùng vẫy, sáng tạo với nó...


Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Thế Đô.

Ông kể: năm 1978, một người bạn của tôi ở “tây” về, mang theo chiếc máy ảnh và cho tôi mượn. Ngày ấy, thanh niên chưa vợ, khoác bộ vest trên người, cổ đeo máy ảnh về làng là oách lắm. Họ hàng, anh em thấy mình là xúm lại nhờ chụp cho tấm ảnh. Khổ nỗi, đi rửa ảnh, cả cuộn phim không được tấm ảnh nào ra hồn. Tấm mất đầu, tấm thì mất tay, chân... Ngẫm về kỷ niệm ấy, tôi chợt nhận ra, mình thích chụp ảnh và quyết tâm học nghề chụp ảnh.

Ngày ấy nghề chụp ảnh chưa phát triển. Máy ảnh là máy chụp phim, giáo trình, tài liệu không có, ông phải tự học và “học mót” là chính. Nhiều thế hệ giáo viên, học sinh của các ngôi trường thầy Đô từng công tác vẫn nhớ đến thầy giáo Đô cổ đeo chiếc máy ảnh, chuyên chụp ảnh lưu niệm cho lớp, cho trường. Ngoài thời gian lên lớp và các dịp lễ, tết, thầy Đô còn đi chụp ảnh dạo.

Năm 1995, ngành Giáo dục bắt đầu công cuộc đổi mới. Khi ấy ông đang là giáo viên dạy Toán ở trường THPT Tân Trào (thành phố Tuyên Quang). Vốn là người thích khám phá, ham học hỏi cái mới nên khi được cử đi đào tạo Tin học trong vòng 3 năm tại Hà Nội, ông vui lắm. Kể từ đây, thầy giáo Đô “gác máy” và dành toàn bộ thời gian, tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người cho đến khi về hưu vào năm 2009. Quãng thời gian 14 năm không làm nghề chụp ảnh, những lúc nhớ nghề da diết, ông chỉ biết lấy máy ảnh nâng niu, lau chùi. Để rồi, khi trở lại làng ảnh, choáng ngợp trước sự phát triển mạnh mẽ của nó, ông bỗng thấy mình non nớt như một đứa trẻ.

Hành trình đi tìm “cái mới”

Những ngày đầu quay lại với nghề ảnh vì niềm đam mê đang dang dở, đôi lúc, Hà Thế Đô thấy mình lạc lõng giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và trào lưu ảnh nghệ thuật của xứ Tuyên đang đâm chồi, nảy lộc mãnh liệt. Khi ấy, tỉnh ta đã có nhiều nghệ sỹ có tên tuổi như Lưu Công Tuyên, Hồ Thăng, Nguyễn Chính...

Trên hành trình đi tìm cái “mới”, “cái tôi”, ông tỏ ngộ, khi xưa chụp ảnh lưu niệm chỉ cần giơ máy ảnh lên là chụp thì gọi là nghề chụp ảnh. Người trong ảnh phải da trắng, tóc đen là đạt yêu cầu. Nhiếp ảnh nghệ thuật lại là “đẳng cấp” khác, người chụp ảnh được gọi là “nghệ sỹ” bởi giá trị người nghệ sỹ mang đến cho công chúng là sự thưởng thức cái đẹp. Tiêu chuẩn bức ảnh nghệ thuật phải đáp ứng “tân, chân, thiện, mỹ” nghĩa là “mới, thật, thiện, đẹp” nhưng phải “động”.

Với nghệ sỹ Hà Thế Đô, một bức ảnh được công bố là đã cũ. Nên chân ướt, chân ráo vào nghề, ông luôn khát khao tìm kiếm cái “mới”, khẳng định cái “tôi” bằng việc tự học, hỏi học người đi trước và đi rất nhiều. Niềm đam mê với nhiếp ảnh khiến ông bất chấp mọi thời tiết, mọi cung đường, bản làng hay ngọn núi xa xôi, hiểm trở và cả tuổi tác để được đặt chân đến, được xúc chạm và thu lượm hết tinh hoa ấy vào khuôn hình nhỏ bé. Thế nhưng, ông chưa có “đứa con tinh thần” nào nên hồn vì tư duy ảnh nghệ thuật còn hạn chế. Nếu không vượt lên chính mình, ông mãi mãi chỉ là người thợ chụp ảnh.

Tác phẩm Khám phá Lâm Bình - giải Nhất cuộc thi “Ảnh đẹp Lâm Bình” lần thứ I, năm 2020.

Mãi đến năm 2011, sau gần 2 năm lặn lội với nghề, bức ảnh “Gánh hoàng hôn” của ông - tác phẩm đầu tiên bắt đầu có “hơi thở” của nghệ thuật được đăng trên của Báo Tân Trào. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao cho “đứa trẻ” nghệ thuật trong ông lớn dần theo năm tháng.

Để không đi vào lối mòn, bắt chước, “nhiễm” phong cách của các nghệ sỹ khác, nghệ sỹ Hà Thế Đô luôn trăn trở, day dứt trong tìm cái “mới” cho chính mình. Bởi vậy, trong tư duy ảnh, đôi lúc, ông thường đi ngược lại so với số đông. Ví như tác phẩm “Chiều Thành Tuyên” thu lại vẻ đẹp của Đài tưởng niệm và hồ công viên Tân Quang theo phong cách panorama. Nhiều tác phẩm đã chụp trước đó của các nghệ sỹ đều chọn chụp mặt chính diện, còn ông lại chọn vị trí đặt máy từ chính Bảo tàng tỉnh, phía sau lưng Đài tưởng niệm. “Chiều Thành Tuyên” đã được đánh giá cao, công chúng đón nhận và yêu quý suốt nhiều năm qua. Ông nhẩm tính, đã có trên 100 người trong và ngoài tỉnh lựa chọn “Chiều Thành Tuyên” để làm quà tặng.

Hay như tác phẩm “Cất cánh” đạt giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật miền núi phía Bắc năm 2017 tại Yên Bái. Ông chia sẻ, như với ảnh nhảy dù, nhiều nghệ sỹ lựa chọn chụp từ trên cao hoặc khi dù chuẩn bị hạ cánh. Tôi lại lựa chọn khoảnh khắc lúc cất cánh. Khi đó, người nhảy dù và người dân đông vui cổ vũ ở phía bên trên đỉnh đồi. Tôi chọn đứng dưới đỉnh đồi trên đường chạy của vận động viên. Để có bức ảnh này, ông phải năn nỉ lực lượng bảo vệ với thái độ cương quyết “Tôi đội mũ bảo hiểm đây rồi. Tôi chỉ chụp đúng 1 bức ảnh thôi. Nếu chẳng may vận động viên đạp lên tôi trước khi cất cánh, tôi cũng chịu”.

Đam mê, miệt mài, nhẫn nại trên hành trình sáng tạo nhiếp ảnh nghệ thuật, gia tài của Hà Thế Đô là hàng nghìn tác phẩm, 30 tác phẩm được tham gia triển lãm với quy mô trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Trong đó, 4 tác phẩm mà ông tâm đắc nhất và đã công bố với công chúng “Chiều Thành Tuyên”, “Non nước Lâm Bình”, “Chiều vàng Thượng Lâm”, “Khám phá Lâm Bình”.

“Khám phá Lâm Bình” đã xuất sắc vượt qua 1.148 tác phẩm của 107 tác giả từ mọi miền đất nước để đoạt giải nhất cuộc thi “Ảnh đẹp Lâm Bình” lần thứ nhất năm 2020. Ông kể lại kỷ niệm không thể quên, quá trình chấm giải, tác phẩm này bị kiện nặc danh. Sau khi gửi lại bản gốc cho Ban Giám khảo là Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam thẩm định, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban giám khảo đã nói với ông “Tôi chúc mừng anh! Thật bất ngờ vì giải nhất cuộc thi chính là người Tuyên Quang”.

Trong “mới, thật, thiện, mỹ”, điều mà Hà Thế Đô luôn trăn trở nhất là “mới”. Ở cái tuổi 70, hành trình đi tìm “cái mới”, “cái tôi” của ông vẫn sục sôi. Hành trình ấy dẫu cô độc nhưng không cô đơn bởi mỗi bước chân đi, mỗi nơi đặt chân đến, tâm hồn ông đã hòa với đất trời, cành cây, ngọn cỏ và con người nơi ấy.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục