Thanh niên giữ gìn văn hóa dân tộc

- Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, tâm hồn… của một dân tộc và thường được lan tỏa trong đời sống, trở thành tài sản tinh thần gắn kết cùng nhau phát triển. Vì vậy, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm của tuổi trẻ Tuyên Quang.

Thành viên Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Trung Hà (Chiêm Hóa) luyện tập các làn điệu của dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 95 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh, thiếu niên. Các câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc như Pà Thẻn, Tày, Dao, Cao Lan đều có chung mục đích là bảo tồn và đem những nét văn hóa dân tộc riêng của mình quảng bá đến mọi người. Việc thành lập các câu lạc bộ đã góp phần tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Câu lạc bộ đàn tính, hát then của đoàn viên, thanh niên xã Trung Hà (Chiêm Hóa) có 8 thành viên với độ tuổi từ 18 - 33, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020. Các thành viên trong câu lạc bộ tranh thủ thời gian rảnh cùng nhau luyện tập những bài hát then, đàn tính để biểu diễn tại các Homestay trên địa bàn xã. Chị Chẩu Thị Thiết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, mỗi thành viên trong câu lạc bộ đều chung một niềm đam mê với những làn điệu Then truyền thống của dân tộc. Mọi người cùng nhau luyện tập, chỉ cho nhau những làn điệu mới, cách biểu diễn sao cho tự nhiên và lôi cuốn được người xem. Thời gian tới, câu lạc bộ sẽ tiếp tục tập hợp thêm những người có chung đam mê, hướng dẫn cho các em nhỏ trong xã tập luyện để làn điệu của quê hương không bị mai một.


Đoàn viên, thanh niên thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hoàn thiện một công đoạn làm khung cửi.

Để tiếp nối, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều cách làm hay, sáng tạo của các bạn trẻ đã được triển khai. Mới đây nhất, tại huyện Lâm Bình, Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp Startup toàn quốc năm 2021” với Dự án thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình của các em Chẩu Thị Mai, Hảo Thị Minh Thùy và Vi Thị Thùy Trang. Dự án của các em đã xuất sắc vượt qua hơn 1.500 hồ sơ, là 1 trong 67 dự án được lọt vào vòng chung kết của cuộc thi. Em Chẩu Thị Mai cho biết, từ nhỏ em đã yêu thích những đường nét hoa văn tinh tế trên những mảnh thổ cẩm. Vì vậy, sau khi nhận được sự định hướng từ các thầy cô giáo, các em đã quyết tâm tham gia dự thi. Các em mong muốn dự án của mình sẽ thành hiện thực để góp phần giữ gìn những nét văn hóa đẹp của dân tộc.

Phát huy vai trò thanh niên trong việc tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, Huyện đoàn Na Hang đã triển khai các hoạt động nhằm đưa nét văn hóa Dao vào các sản phẩm du lịch. Chị Đặng Thị Dương, xã Hồng Thái (Na Hang) là người trẻ tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Chị Dương cho biết, hiện tại, đoàn xã đang bám sát đề án du lịch của huyện để triển khai. Hình ảnh những nét hoa văn thổ cẩm của người Dao, kiến trúc ngôi nhà truyền thống… sẽ được đưa vào các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm, nhằm quảng bá hình ảnh đến với du khách mỗi khi có dịp ghé qua Hồng Thái.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số thanh, thiếu niên thờ ờ với các giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy, để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, mỗi cơ sở đoàn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các phong trào đoàn, nhằm tạo sức lan tỏa và tập hợp thanh niên.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục