Tự hào vùng đất sáng

- Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời hàng vạn năm. Từ thời vua Hùng dựng nước, Tuyên Quang đã là vùng đất quan trọng, là “phên giậu” của Nhà nước Văn Lang. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Tuyên Quang luôn giữ vị trí trọng yếu, được chọn là Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến. Tự hào với truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng Tuyên Quang ngày càng đổi mới.

Vùng đất lịch sử lâu đời

190 năm trước, 4-11-1831, vua Minh Mạng chia cả nước thành 18 tỉnh, trong đó có Tuyên Quang. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Tuyên Quang được xác định rõ ràng cả về địa giới hành chính, chính thức có tên trong văn bản có giá trị pháp lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Nghiên cứu về Tuyên Quang, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bân, vị quan Án sát tỉnh Tuyên Quang đầu thế kỷ 20 đã nhận định “… Tuyên Quang nằm về phía Bắc Thượng du, có hình thế rồng cuộn hổ ngồi, giữ chắc nơi biên ải, làm cho thế nước vững bền, khiến cho đất đẹp một phương được nối tiếp tiếng hay từ vạn cổ…”.

Thành phố Tuyên Quang trên đường đổi mới.   Ảnh: Hoàng Thảo

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, là vùng “phên giậu” che chở cho kinh thành Thăng Long ở phía Bắc, từ xa xưa, nhân dân Tuyên Quang đã đấu tranh anh dũng chống chế độ phong kiến lạc hậu, đồng thời luôn cùng các triều đại phong kiến tiến bộ đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1075, dưới sự thống lĩnh của dòng họ Hà, nhân dân Tuyên Quang tham gia cùng đạo quân của Lý Thường Kiệt (Tổng chỉ huy quân đội lúc đó) chủ động chặn giặc Tống. Năm 1285, nhân dân Tuyên Quang cùng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chiến đấu chống quân Nguyên - Mông (từ Vân Nam xuống xâm lược nước ta). Năm 1789, hòa vào phong trào Tây Sơn, nhân dân Tuyên Quang tham gia chặn đánh một cánh quân giặc Thanh do Tôn Sỹ Nghị cầm đầu trên đường chúng tháo chạy qua Chiêm Hóa, Na Hang, Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng).

Theo Nhà nghiên cứu Lịch sử Phù Ninh, vùng đất Tuyên Quang đã được cổ nhân tạc vào bia đá lời đánh giá quý báu “Tuyên thành vạn cổ án Thăng Long”, có nghĩa là Thành Tuyên che chở, án ngữ cho Thăng Long. Bởi vì, Tuyên Quang xưa là tỉnh biên giới, “là phên giậu của Trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc.

Toàn cảnh làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. 

Dưới các triều đại phong kiến, Tuyên Quang luôn là “trấn biên” che chở cho kinh thành Thăng Long. Những trận chiến đấu quyết liệt để bảo toàn lãnh thổ, giữ vững bờ cõi nước nhà đã đưa tên đất, tên người Tuyên Quang mãi mãi đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, quân và dân trong tỉnh đã một lòng đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tinh thần chiến đấu quả cảm của các nghĩa quân Thành Tuyên góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.

Có Đảng soi đường

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), ánh sáng cách mạng đã soi đường, chỉ lối, thổi bùng ngọn lửa yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm 1941, Chi bộ Mỏ Than, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời, ngay sau đó Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang được thành lập, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Tuyên Quang. Lúc này, với vị thế của vùng đất có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cơ sở cách mạng vững chắc, Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là Thủ đô Cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Cảnh Trực

Đầu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị tìm một địa chỉ phù hợp làm trung tâm chỉ đạo cách mạng, đáp ứng được các điều kiện “có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt để thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài”. Và Tuyên Quang đã đáp ứng được yêu cầu của Bác để lựa chọn làm trung tâm chỉ đạo cách mạng của cả nước. Vì vậy, cuối tháng 5-1945, Bác từ Cao Bằng về Tuyên Quang đã chọn thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm nơi dựng lán để ở và làm việc, đồng thời cũng là “đại bản doanh” của cách mạng.

Tại Tân Trào, thời gian này, người dân đã quen thuộc với “Ông Ké cách mạng” hiền từ, gần gũi với nhân dân. Đến cuối tháng 7 năm 1945, Bác bị ốm nặng. Trong căn lán nhỏ, trước những cơn sốt mê man, khi tỉnh lại Bác đã nói câu nói nổi tiếng dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng Tháng 8 thành công, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, cùng cả dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đến ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ. Tuyên Quang tiếp tục được chọn làm Thủ đô của cuộc kháng chiến trường kỳ, căn cứ địa trung tâm lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Từ năm 1947 đến năm 1954, Tuyên Quang là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng đưa ra những quyết sách mang tính quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến; cùng cả nước viết lên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước đến niềm vui thống nhất. Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 21 tỉnh, trong đó có Hà Giang và Tuyên Quang. 

Trong 15 năm hợp nhất (1976 - 1991), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, giành được nhiều tiến bộ mới trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hà Tuyên phải tập trung cao nhất sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc.
Với những thành tích trong chiến đấu, sản xuất, ngày 29/8/1985 Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Hà Tuyên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh.
30 năm đổi mới và phát triển

Sau 15 năm hợp nhất (1976 - 1991), ngày 12-8-1991 Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã quyết nghị về việc chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh, Hà Giang và Tuyên Quang. Theo đó, từ ngày 1-10-1991, các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Tuyên Quang chính thức đi vào hoạt động.

Sản phẩm bưởi Soi Hà được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Cảnh Trực

Khi mới tái lập, dân số của tỉnh có trên 598 nghìn người. Tỉnh có 6 đơn vị hành chính, gồm: Thị xã Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Đơn vị hành chính cấp cơ sở có 3 phường, 7 thị trấn, 135 xã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực thi đua lao động, sản xuất với khí thế mới.

Đồng chí Đào Tương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, sau ngày tái lập tỉnh, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung thi đua phát triển nông - lâm nghiệp. Cùng với đó, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn…, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp sức xây dựng Tuyên Quang giàu mạnh.

Đến tháng 1-1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XI đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với cả nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa các hoạt động kinh tế của tỉnh bắt nhịp và thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đổi mới, Tuyên Quang đã thu được những kết quả to lớn, tương đối toàn diện; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt trên 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, gấp 2,3 lần so với năm 2005.

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khai thác tiềm năng và huy động nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt bình quân 14,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.368 USD/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%... Với những kết quả trên, Tuyên Quang đã thoát khỏi tỉnh kém phát triển.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục