Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc

- Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em sinh sống trải đều khắp các địa phương trong tỉnh. Các dân tộc còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có thể kể đến là kho tàng các trò chơi dân gian.


Trẻ em thích thú với chiếc xích đu ở khu lâm viên Phiêng Bung, Na Hang

Những trò chơi dân gian có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khéo léo và sức chịu đựng của con người. Một số trò chơi phổ biến như: ném còn, đẩy gậy, đánh pam, đánh yến, cầu bập bênh, đánh đu, xích đu...  Các trò chơi này thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Điển hình như trò chơi ném còn với đặc thù là hoạt động tập thể, tổ chức ở không gian rộng, thoáng mát, dành cho mọi lứa tuổi, không giới hạn người chơi. Với ý nghĩa độc đáo là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi nên nhiều bản làng người Tày đều tổ chức trò chơi này vào dịp Tết đến xuân sang để mong ước về những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Cùng với ném còn thì đánh pam, đánh yến, đẩy gậy cũng được vào tổ chức vào dịp này nhằm tăng cường tình đoàn kết cộng đồng.

Nếu trước đây, những trò chơi dân gian này thường xuất hiện trong các dịp lễ, tết thì hiện nay, một số điểm du lịch cộng đồng đã tái hiện lại trò chơi dân gian nhằm hút khách. Chị Hoàng Thị Thơ, homestay Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) chia sẻ, nhằm tạo thêm không gian vui chơi, thư giãn cho du khách, chị làm thêm chiếc cầu bập bênh. Bởi đi du lịch homestay hầu hết là cả đại gia đình nên có rất nhiều trẻ nhỏ. Chiếc cầu bập bênh không chỉ là giải pháp an toàn để các bé vui chơi ngoài trời mà còn là chỗ nghỉ ngơi, thư giãn và check -in của du khách.

Với ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục