Trong quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Tùng được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ra tờ báo mới thay cho báo Sự thật. Nhiệm vụ cơ bản của Báo là tuyên truyền cổ động, tổ chức toàn dân đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Ngày 11-2-1951, cùng ngày khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, số 1 báo Nhân dân phát hành. Báo dành toàn bộ nội dung cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, công việc ra báo nhanh chóng đi vào nền nếp. Ngày 20-7-1951, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 26 thành lập Ban Biên tập Báo Nhân dân gồm 8 ủy viên, trong đó có 5 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh. Tổng Bí thư Trường Chinh là Chủ nhiệm. Nghị quyết của Bộ Chính trị còn nêu: Ở mỗi liên khu cần có một cán bộ viết bài đều cho Báo Nhân dân. Sau đó, Ban Bí thư ra tiếp Chỉ thị số 23 về việc đặt lưới thông tin viên cho Báo Nhân dân, gồm có thông tin viên ở các tỉnh, huyện, ở các trung đoàn thuộc đại đoàn quân chủ lực, ở các xí nghiệp lớn.
Sau khi thành lập ở Vinh Quang (Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, Báo Nhân dân chuyển về làm việc tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (1953 - 1954).
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Báo Nhân Dân đã làm tốt nhiệm vụ phổ biến, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tế kháng chiến, hướng dẫn quần chúng, góp phần tích cực giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công, xây dựng hậu phương vững mạnh.
(CÒN NỮA)
Gửi phản hồi
In bài viết