Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết

- Di tích cách mạng Lào tại thôn Làng Ngòi - Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) minh chứng cho tình hữu nghị đoàn kết keo sơn của nhân dân hai nước Việt - Lào. Tại đây đoàn cán bộ cách mạng đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Mặt trận toàn quốc Neo Lào Ítxala gắn liền với tên tuổi Hoàng thân Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏn Phomvihẳn trong giai đoạn 1950 - 1951.

Theo tài liệu lịch sử của Bảo tàng tỉnh, đầu năm 1950, đồng chí Nguyễn Công Bình, Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo cho đồng chí Châu Sáng, Chủ tịch huyện Yên Sơn và các đồng chí lãnh đạo xã Mỹ Lâm chuẩn bị mọi mặt để đón đoàn cách mạng Lào đến ở và hoạt động. Đồng chí Hoàng Văn Sinh, Bí thư chi bộ xã; Nguyễn Văn Cẩn, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã sau khi xem xét, chọn địa điểm đã cùng nhân dân dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Dung, Thứ trưởng Bộ Giao thông sửa sang khu học xá quân sự miền núi tại Gò Tre, xóm Thổ, Làng Ngòi và đường đi để đón đoàn.

Tháng 6-1950, Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phomvihẳn, Khămtày Sipphănđon, Phu Ma cùng các đồng chí cán bộ, bộ đội cách mạng Lào đã theo đường Hiên đến ở và làm việc tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng. Các đồng chí lãnh đạo ở khu Gò Tre, đồi Tơ. Bảo vệ đoàn cán bộ cách mạng Lào có khoảng hơn 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc đại đội Chămpa Sắc của Lào và một tiểu đội bộ đội Việt Nam phối hợp với dân quân, du kích xã Mỹ Bằng bảo vệ vòng ngoài.

Đoàn công tác tỉnh Xiêng Khoảng, Lào thăm khu di tích lịch sử cách mạng Lào tại thôn Đá Bàn, Mỹ Bằng.

Tại khu Gò Tre, xóm Thổ, từ ngày 13 đến 15-4-1950, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Ítxala đã diễn ra, tới dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt cho nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Lào, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào tự do. Đại hội toàn quốc Neo Lào Ítxala đã thông qua bản cương lĩnh, đường lối chính trong giai đoạn trước mắt của cách mạng Lào bao gồm 12 điều. Trong thời gian làm việc tại Mỹ Bằng, Hoàng thân Xuvanuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư trao đổi về tình hình cách mạng hai nước để kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, cùng phối hợp hành động vì sự nghiệp chung đấu tranh giành độc lập, tự do.

Sau Đại hội thành công, để bảo đảm bí mật, an toàn, đoàn cán bộ Lào đã chuyển vào khe núi Nhọn, dưới chân núi Là thuộc thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng vào cuối năm 1950. Trong thời gian hoạt động ở địa phương, Hoàng thân Xuvanuvông cùng các cán bộ Lào thường xuyên đi thăm hỏi bà con xung quanh khu vực doanh trại. Tết Tân Mão 1951 đoàn cán bộ Lào tổ chức đi chúc Tết bà con nhân dân, mừng tuổi cho các cháu thiếu nhi thôn Đá Bàn. Tháng 2-1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ đến thăm buổi học triết học của cán bộ Mặt trận Lào Ítxala do Hoàng thân Xuvanuvông giảng.

Sau khi hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập và sinh hoạt của học viên, Bác đã kể lại: “Tôi cũng biết tiếng Thái và tiếng Lào, nhưng rất lâu rồi không nói. Tôi cùng từng ngủ qua đêm nhiều lần ở chùa Inpeng, thủ đô Viêng Chăn”. Lúc đoàn cán bộ Lào hoàn thành nhiệm vụ về nước, 15 du kích xã Mỹ Lâm đã đưa đoàn đến tận Nghệ An, trên vai mỗi người mang theo 25 kg gạo để ăn dọc đường. Đội du kích có nhiệm vụ gánh đồ dùng, vũ khí, tư trang cho Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phomvihẳn theo lộ trình từ nhà ông Bàn Kim Thắng đi Nhữ Hán đến Đoan Hùng - Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An. Khoảng 2 tháng đi ròng rã đến địa điểm cuối cùng, đội du kích hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về địa phương.

Trải qua hơn 70 năm, hiện nay cảnh quan tại khu di tích lịch sử cách mạng Lào, xã Mỹ Bằng đã thay đổi nhiều. Năm 1991 khu di tích lịch sử cách mạng Lào được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Hiện tỉnh Tuyên Quang đã khôi phục được điểm di tích Hội trường Đại hội đại biểu Mặt trận toàn quốc Neo Lào Ítxala thôn Làng Ngòi; nhà Hoàng thân Xuvanuvông thôn Làng Ngòi; nhà đồng chí Cayxỏn Phomvihẳn thôn Làng Ngòi; lán bộ đội Lào thôn Làng Ngòi; hang Đá Bàn thôn Đá Bàn;... Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ nhiều hiện vật của đoàn cán bộ cách mạng Lào trong thời gian ở và làm việc tại xã Mỹ Bằng, trong đó có hiện vật là đồ dùng của nhân dân địa phương cho đoàn mượn như mâm đồng, tủ bích phê, chăn len, khay đồng, xanh đồng, khay gỗ, niêu đựng cơm...

Việc tu bổ di tích lịch sử cách mạng Lào vẫn được tỉnh Tuyên Quang làm thường xuyên và tiếp tục làm, cùng với việc trồng cây xanh. Công tác dẫn đoàn, thuyết minh di tích được Bảo tàng tỉnh làm chu đáo. Hàng năm, có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm khu di tích đặc biệt quan trọng này, trong đó có nhiều du khách Lào.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng dòng sự kiện