Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 - Bước trưởng thành của QĐND Việt Nam

Sau Chiến thắng Biên giới Thu-Đông năm 1950, nhằm tiếp tục phát triển thế tiến công chiến lược, ta chủ trương mở liên tiếp các chiến dịch trong Xuân-Hè năm 1951, tiến công địch ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, cả ba chiến dịch (Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung) đều không đạt được mục đích về mặt chiến lược, lại bị tổn thất về lực lượng. Chỉ đến khi Chiến dịch Hòa Bình giành thắng lợi đã chứng tỏ địa bàn rừng núi là nơi quân đội và nhân dân ta phát huy được ưu thế, hạn chế được thế mạnh về hỏa lực và khả năng cơ động nhanh của địch. Từ thực tế đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa II (tháng 4-1952), Trung ương Đảng đã nhận định, trong tương quan địch còn mạnh hơn ta về trang bị kỹ thuật và tổng quân số, ta nắm quyền chủ động, nhưng chưa đủ ưu thế áp đảo. Vì vậy, việc chọn hướng mở chiến dịch phải phù hợp với thế và lực của ta, cần tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, khoét sâu nhược điểm của địch, làm chúng suy yếu dần, ta trưởng thành từng bước, giành thắng lợi từng phần, tạo ra chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta, tiến lên những trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi quyết định.  

Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh do Viện Lịch sử Quân sự cung cấp 

Trên cơ sở phân tích và so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược. Đó là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thế, lực và sự phát triển của ta trong giai đoạn giữ vững và phát huy thế chủ động chiến lược. Sau gần 2 tháng (từ ngày 14-10 đến 10-12-1952), Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng; từng bước mở rộng và giữ vững quyền chủ động về chiến lược, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành mới của Quân đội ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. 

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều phương diện của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trên những nội dung cơ bản sau: 

Một là, Chiến dịch Tây Bắc khẳng định sự phát triển không ngừng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trình độ tổ chức huấn luyện quân sự và bản lĩnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam

Thu-Đông năm 1952, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc là một thử thách lớn đối với quân và dân ta. Bởi, chiến trường Tây Bắc có địa hình phức tạp, dân cư thưa, giao thông khó khăn; cơ sở chính trị còn yếu do bị địch khủng bố thường xuyên. Hơn nữa, trước các hoạt động tác chiến của ta, địch sẽ đối phó quyết liệt bằng việc tăng viện hoặc rút về co cụm và có thể tổ chức các cuộc hành quân đánh sâu vào hậu phương ta để phá hoại. 

Do tính chất quan trọng của Chiến dịch Tây Bắc, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo công tác chuẩn bị. So với các chiến dịch trước đó, Chiến dịch Tây Bắc có thời gian chuẩn bị dài hơn. Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy quan tâm chỉ đạo. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa II (tháng 4-1952), đã đề ra những nhiệm vụ cấp thiết lúc này phải xây dựng quân đội mạnh hơn nữa, tiến hành chỉnh quân để nâng cao chất lượng chính trị của bộ đội, đề cao tư tưởng của cán bộ, cũng như đề cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật của toàn quân. Trên cơ sở đó, Tổng Quân ủy chỉ rõ: Việc thống nhất tư tưởng, quán triệt sâu sắc quyết tâm mở chiến dịch của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết không thể thiếu được để đánh thắng quân địch.

Tháng 5-1952, các đơn vị tiến hành giáo dục chính trị cho cán bộ và chiến sĩ. Đây là cuộc chỉnh huấn chính trị tập trung lớn nhất của Quân đội ta kể từ khi thành lập. Bộ đội được học tập tài liệu “Trường kỳ kháng chiến”, tự lực cánh sinh; được quán triệt đầy đủ “10 điều kỷ luật chung và 3 điều kỷ luật chiến trường” của Bộ Tổng Tư lệnh... Thông qua đợt chỉnh huấn chính trị, bộ đội có nhiều chuyển biến lớn về nhận thức tư tưởng, xác định được quan điểm, lập trường, nâng cao trách nhiệm và tinh thần chiến đấu. Đặc biệt, do tầm quan trọng của công tác tranh thủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và ký “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”. Người đã vượt suối lũ để đến dự hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tác chiến. Tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người tác động sâu sắc đến ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Tây Bắc.  

Sau đợt chỉnh huấn chính trị, các đơn vị chủ lực bước vào chỉnh huấn quân sự. Bộ đội được huấn luyện 5 kỹ thuật chiến đấu cơ bản, học cách đánh công sự cải tiến, đánh cả ban ngày và ban đêm; nhiều trung đoàn diễn tập tác chiến hiệp đồng bộ binh với pháo binh; được phổ biến các kinh nghiệm chiến đấu của Chiến dịch Biên giới, Hòa Bình. Từ đơn vị cơ sở đến đại đoàn đều được biên chế phù hợp với cách đánh công kiên và đánh vận động theo hướng tăng thêm lực lượng trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Trang bị vũ khí được tăng cường mạnh, thống nhất theo hướng gọn nhẹ, sức chiến đấu cao. Bên cạnh đó, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng kế hoạch động viên 6.000 tân binh để giao cho các đơn vị vừa huấn luyện, vừa làm lực lượng vận tải, vừa bổ sung cho các đơn vị chiến đấu sau mỗi trận đánh. Đồng thời, điều một số cán bộ trung đội, đại đội mới tốt nghiệp các trường lục quân và bổ túc sơ cấp làm lực lượng cán bộ dự trữ cho chiến dịch...

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh tư liệu 

Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Tây Bắc, bộ đội được động viên, khích lệ kịp thời, luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, giữ vững bản lĩnh chiến đấu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác giáo dục, động viên và huấn luyện bộ đội luôn bám sát phương châm tác chiến chiến dịch, nhất là đối với các đơn vị luồn sâu đánh hiểm, các mũi vu hồi nghi binh ở đông nam Lai Châu và các đơn vị tiến công mục tiêu chủ yếu trong trận đánh then chốt thứ nhất ở Phân khu Nghĩa Lộ và trận then chốt thứ hai ở Lai Châu. Nhờ vậy, trong đánh điểm và diệt viện, ta đều giành thắng lợi, bộ đội chấp hành nghiêm mệnh lệnh, vận dụng cách đánh chiến thuật, chiến dịch linh hoạt, sáng tạo. Thậm chí, khi đánh cứ điểm Nà Sản gặp khó khăn phải kết thúc chiến dịch, bộ đội vẫn quyết tâm cao, không nao núng, dao động.

Hai là, Chiến dịch Tây Bắc đánh dấu bước trưởng thành về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của QĐND Việt Nam.

Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ chỉ huy (BCH) chiến dịch quyết định tập trung phần lớn bộ đội chủ lực cho Chiến dịch Tây Bắc. Trên địa bàn chiến dịch, ta chia thành khu vực để tiến công, đồng thời tập trung binh lực, hỏa lực để thực hiện đòn tiêu diệt trên các khu vực chủ yếu. Thực tiễn trong đợt 1 chiến dịch, BCH chiến dịch sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch đánh địch ở khu vực Nghĩa Lộ. Sau khi tiêu diệt một loạt vị trí xung quanh Phân khu Nghĩa Lộ và đưa lực lượng bao vây kiềm chế các cứ điểm lân cận không cho địch tổ chức ứng cứu, chi viện, ta sử dụng 2 trung đoàn cùng lực lượng pháo binh chiến dịch tiến công cụm cứ điểm Pú Chạng (Nghĩa Lộ). Nhờ tập trung ưu thế về binh hỏa lực, các cụm cứ điểm vòng ngoài của địch ở Tây Bắc nhanh chóng bị ta tiêu diệt, tạo thời cơ thuận lợi cho chiến dịch phát triển.

Bước vào đợt 2 chiến dịch, ta sử dụng 6 trung đoàn, cùng lực lượng binh chủng tiến công địch ở khu vực Ba Lay, Mộc Châu, Bản Hoa. Các trận tiến công của ta trên khu vực này đều chiếm ưu thế, nhất là trận Mộc Châu đã phá vỡ lá chắn của địch trên Đường 41, buộc chúng phải rút khỏi các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa... Đường 41 vào Tây Bắc được khai thông tạo điều kiện để các đơn vị trên hướng thọc sâu giải phóng Mường Sài, Sơn La và một vùng đất đai rộng lớn ở nam Lai Châu.

Cùng với tập trung binh, hỏa lực trên hướng chủ yếu, trận then chốt, BCH chiến dịch đã vận dụng hiệu quả phương châm “đánh điểm, diệt viện”. Trong khi tập trung lực lượng tiến công địch ở hướng chủ yếu trong đợt 1, ta sử dụng lực lượng chia cắt địch ở Phù Yên, chặn đường rút chạy và viện binh của chúng, sẵn sàng đánh vận động tiêu diệt cả lực lượng rút chạy và lực lượng tăng viện ngoài công sự. Về đánh điểm, quân ta đã diệt được cứ điểm do 1 tiểu đoàn tăng cường của địch chiếm đóng trong một đêm dưới điều kiện hỏa lực dày đặc (Nghĩa Lộ). Về diệt viện, bộ đội đủ khả năng truy kích đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Âu-Phi trên chặng đường dài ở địa bàn rừng núi.

Cùng với đó, ta còn thực hiện tốt kế hoạch nghi binh, giữ bí mật, tạo bất ngờ lớn đối với địch trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Đặc biệt trong đợt 3 chiến dịch, các yếu tố giành thắng lợi không bảo đảm, ta chủ động nghi binh, kết hợp chặt chẽ giữa nghi binh với phòng gian giữ bí mật; tiến hành nghi binh bằng nhiều biện pháp tích cực, tổ chức nghi binh trên nhiều hướng, sử dụng nhiều lực lượng, nhiều đơn vị làm công tác nghi binh; nghi binh trong mọi thời gian... để kết thúc chiến dịch đúng lúc.

Có thể khẳng định, Chiến thắng Tây Bắc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam trên nhiều phương diện. Với chiến thắng này, về mặt chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật đã phát triển lên một bước mới, thể hiện những nét đặc sắc về chủ động mở hướng tiến công địch trên địa bàn rừng núi và xác định đúng mục đích chiến dịch; thực hiện thành công phương châm “đánh điểm, diệt viện”, biết tập trung ưu thế binh, hỏa lực trong những trận then chốt, phá vỡ khu vực phòng ngự mạnh của địch; công tác nghi binh, kết thúc chiến dịch đúng đắn, linh hoạt, kịp thời. So với các chiến dịch trước, đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự phát triển mới về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của Quân đội ta trong giai đoạn này.

Ba là, Chiến dịch Tây Bắc thể hiện bước tiến quan trọng về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương. 

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCH chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị bộ đội chủ lực tập trung phối hợp với LLVT địa phương tiến công tiêu diệt lớn quân địch. Theo đó, lực lượng tham gia chiến dịch gồm có các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316 (thiếu); Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148; 6 đại đội sơn pháo 75mm; 3 đại đội cối 120mm; một trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu cùng dân quân du kích trên địa bàn.

Trên cơ sở phương án tác chiến, BCH chiến dịch điều động, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ lực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội địa phương tổ chức đánh địch. Trong đợt 1, trên hướng chủ yếu Nghĩa Lộ, các đơn vị bộ đội chủ lực tiến công các cứ điểm Ca Vịnh, Sài Lương ở tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch; sau đó tiến công tiêu diệt đồn Cửa Nhì, cứ điểm Pú Chạng rồi phát triển thọc sâu vào Phân khu Nghĩa Lộ. Trên hướng thứ yếu Phù Yên, ta mở cuộc tiến công tiêu diệt cứ điểm Nha Phù, sở chỉ huy của địch ở Tiểu khu Phù Yên. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích ở Mường La (Sơn La), Cao Phạ, Văn Bàn, Văn Chấn (Yên Bái), Quỳnh Nhai, Pắc Ná (Lai Châu)... tổ chức tiến công các cứ điểm địch, truy kích và gọi hàng tàn binh rút chạy. Sau 10 ngày chiến đấu, bộ đội chủ lực và LLVT địa phương đã tiêu diệt hàng loạt cứ điểm của địch, tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai. 

Bước sang đợt 2 chiến dịch, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp LLVT địa phương tiếp tục tiến công địch theo kế hoạch đề ra. Trên hướng thứ yếu Lai Châu, một bộ phận lực lượng của hai Trung đoàn 148 và 165 cùng LLVT địa phương được lệnh nổ súng nghi binh ở Quỳnh Nhai, buộc chúng phải gấp rút điều quân về thị xã. Trong khi đó, trên hướng chủ yếu ở Sơn La, các đơn vị của Đại đoàn 316 vượt sông Đà tiến công vào hệ thống phòng ngự của địch, diệt cứ điểm Mộc Châu, buộc địch phải rút bỏ các cứ điểm Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Tạ Khoa, Cò Nòi, Yên Châu về cố thủ Nà Sản. 

Phát huy thắng lợi, bộ đội chủ lực tiếp tục phối hợp với bộ đội địa phương tiến công chính diện, kết hợp với vu hồi chiến dịch từ hướng Lai Châu tiêu diệt địch, lần lượt giải phóng Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ và thị xã Sơn La, truy kích quân địch rút chạy về Nà Sản. 

Vào đợt 3 chiến dịch, bộ đội chủ lực tập trung đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Do các trận đánh lớn vào Nà Sản không đạt được mục đích đề ra, BCH chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch và lệnh cho các đơn vị cơ động ra vùng hậu cứ củng cố lực lượng, giúp nhân dân xây dựng hậu phương, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Đây là quyết định kịp thời, thể hiện quá trình điều hành tác chiến linh hoạt, biết chủ động tiến công khi có điều kiện và kết thúc vào thời điểm có lợi nhất.

Từ thực tiễn Chiến dịch Tây Bắc có thể thấy, Quân đội ta có bước phát triển mới về khả năng phối hợp giữa bộ đội chủ lực và LLVT địa phương trên nhiều phương diện, kể cả về ý định phối hợp, quy mô tổ chức lực lượng, phương pháp trong từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, trên hướng chủ yếu, thứ yếu, hoặc hướng phối hợp; trong đó, bộ đội chủ lực là lực lượng tác chiến chủ yếu, đạt hiệu quả chiến đấu cao, nổi bật là hai trận then chốt Nghĩa Lộ và Mộc Châu, nên ta đã giành thắng lợi lớn. Tại hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc (ngày 29-1-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi bộ đội chủ lực và LLVT địa phương đã tích cực phối hợp, đơn vị nào cũng có chiến thắng, cả chủ lực, địa phương và dân quân du kích.

Bốn là, Chiến thắng Tây Bắc khẳng định QĐND Việt Nam đủ khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch quy mô lớn, đánh địch dài ngày ở chiến trường rừng núi, xa hậu phương.

Một trong những khó khăn đối với Chiến dịch Tây Bắc là công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Vì địa bàn mở chiến dịch cách xa hậu phương Việt Bắc, Thanh-Nghệ-Tĩnh hàng trăm ki-lô-mét, lại bị địch chiếm từ lâu, kinh tế vùng Tây Bắc nghèo nàn, dân cư thưa, chủ yếu là đồng bào ít người, bị địch khủng bố thường xuyên, đời sống nhân dân khó khăn, khả năng huy động sức người, sức của tại chỗ hạn chế. Hơn nữa, đây là địa bàn có địa hình hiểm trở, rừng núi xen kẽ với cao nguyên và thung lũng; sông suối nhiều ghềnh, thác, nước chảy xiết; đường sá ít, kém phát triển, lại bị địch khống chế và thường xuyên tổ chức lùng sục tại các ngã ba, ngã tư tuyến liên tỉnh, liên huyện.

Để bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi, công tác hậu cần, kỹ thuật được Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy quan tâm từ sớm. Cơ quan Tổng cục Cung cấp, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 được lệnh khẩn trương sửa chữa đường cơ động, mở thêm các đường mới và chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ chiến dịch. 

So với Chiến dịch Biên giới và Hòa Bình, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật Chiến dịch Tây Bắc lớn hơn, do ta thực hiện tiến công liên tục, đột phá trên từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm của địch có công sự vững chắc; phải bảo đảm cho cả lực lượng làm nhiệm vụ ngăn chặn, đón lõng để tiêu diệt quân địch chi viện hoặc rút lui. Từ nhiệm vụ đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Tổng cục Cung cấp, công tác hậu cần, kỹ thuật được chuẩn bị chu đáo, bám sát diễn biến tình hình, nhất là xây dựng phương án bảo đảm, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị ở các khu vực. Từ hậu phương đến mặt trận, các lực lượng vận tải, quân nhu, quân y, quân khí đều được chỉ huy thống nhất, lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị phục vụ chiến dịch được bảo đảm đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị chiến đấu. 

Trước thực tế diễn biến chiến dịch diễn ra khẩn trương, công tác hậu cần, kỹ thuật được triển khai linh hoạt, kịp thời. Nếu như đợt 1 chiến dịch, trên tuyến Khâu Vác, do chưa được chuẩn bị chu đáo, chỉ huy, chỉ đạo có phần chủ quan, nên công tác bảo đảm gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của bộ đội, thì bước vào đợt 2, với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tổng Quân ủy và BCH chiến dịch, lực lượng trên các tuyến đã khắc phục khó khăn để mở đường và vận tải tiếp tế lương thực, đạn dược, cứu chữa thương binh, phục vụ bộ đội tiến công, truy kích địch trên Đường 41, thọc sâu vào vùng sau lưng địch, giải phóng Tuần Giáo, Điện Biên... Tính chung cả chiến dịch, công tác hậu cần, kỹ thuật cung cấp 9.360 tấn gạo, 359 tấn muối và thực phẩm, 33 tấn đạn, 2.535 thương binh được cứu chữa tại mặt trận và đưa về các hậu phương cứu chữa an toàn.

Chiến thắng Tây Bắc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta trong bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đã nêu cao quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào thành công của chiến dịch, để lại kinh nghiệm quý trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các chiến dịch lớn, dài ngày ở chiến trường rừng núi, xa hậu phương sau này. 

Phát huy bước trưởng thành của Quân đội ta trong Chiến dịch Tây Bắc, trong xây dựng quân đội hiện nay, toàn quân cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về tổ chức Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về “Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; triển khai mạnh mẽ “Đề án tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”; kịp thời điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị bảo đảm, phục vụ; tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược theo quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao. 

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội, thực hiện có chất lượng Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, bảo đảm sát thực tế chiến đấu; đồng thời, tăng cường huấn luyện cho bộ đội làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại; thành thạo các hình thức chiến đấu, sát với phương án tác chiến, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; coi trọng huấn luyện bộ đội giỏi tác chiến độc lập cũng như tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết...

Thứ ba, coi trọng phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Trước mắt chú trọng hiện đại hóa vũ khí trang bị cho một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như phòng không-không quân, hải quân, cảnh sát biển, tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, trinh sát kỹ thuật... Tích cực nghiên cứu, sửa chữa, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật; đồng thời, mua sắm, hợp tác, chuyển giao công nghệ và phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại.

Thứ tư, thường xuyên bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Thứ năm, mở rộng hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng với các nước theo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược biển Việt Nam... bảo đảm cho quân đội có đủ sức mạnh, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa nguy.  

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đến nay vừa tròn 70 năm, nhưng giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm về những bước phát triển trưởng thành của QĐND Việt Nam trong Chiến dịch Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm xây dựng quân đội trong Chiến dịch Tây Bắc cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo QĐND

Tin cùng dòng sự kiện