Phòng ngừa văn hóa độc hại

- Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển, đồng thời văn hóa được ví như “Tấm thẻ căn cước” để nhận diện giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, bên cạnh việc tiếp thu các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nguy cơ, trong đó có các sản phẩm văn hóa mang nội dung độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng thụ, sa đọa, cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng rõ rệt, môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng.

Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn tới khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị, tư tưởng, tác động lâu dài đến thế hệ mai sau. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, song trước hết là do một số ít cơ quan, đoàn thể chưa nhận rõ tác hại nghiêm trọng, nguy hiểm, gây hủy hoại đạo đức xã hội của các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập từ bên ngoài vào; công tác quản lý nhà nước về văn hóa có việc còn hạn chế. Mặt khác là do chúng ta chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết nên đã bị choáng ngợp trước các những cuộc “xâm lăng mềm” về văn hóa; các thế lực thù địch, bá quyền đã tìm mọi cách, lợi dụng mọi sơ hở về chính sách, luật pháp của Việt Nam và lợi dụng tối đa những mặt trái của internet để cung cấp, truyền bá các tư tưởng lai căng, các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại vào nước ta.        

Trước thực trạng này, để chung tay góp sức thường xuyên, tích cực bồi tụ, vun đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa trong mỗi con người, gia đình, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức đảng, cơ quan, nhà nước, trước hết, từng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, coi đây là giải pháp đầu tiên, quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người văn hóa. Cần coi trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là đoàn viên thanh, thanh niên về việc phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại; tăng cường các biện pháp quản lý văn hóa, dịch vụ văn hóa, lĩnh vực truyền thông, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và hoạt động sáng tác, in ấn, xuất bản để phát hiện, xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực, các nội dung không lành mạnh, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo sức đề kháng văn hóa mạnh mẽ, cường tráng, đẩy lùi, tiêu trừ, loại bỏ được các tạp chất gây hại cho con người, cho môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, góp phần xây dựng văn hóa và con người Tuyên Quang ngày càng phát triển, văn minh và tiến bộ.

Thúy Quang
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang

Tin cùng dòng sự kiện