Đánh giá, triển khai công tác chuyển đổi số của tỉnh

- Chiều 14-11, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tổ chức phiên họp lần thứ 3 năm 2022, đánh giá, triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp.

Thực hiện Nghị quyết số 48, ngày 15-11-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay đã có 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2022 và các năm tiếp theo để làm căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đến thời điểm hiện tại có 17 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của đơn vị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì buổi họp.

Về nhận thức số, tỉnh tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 hàng năm. Về thể chế số, ban hành Nghị quyết và Kế hoạch 05 của tỉnh về chuyển đổi số. Về hạ tầng số, 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn được phủ sóng băng thông rộng cáp quang. Về nền tảng số, tỉnh đã triển khai nền tảng họp hội nghị truyền hình trực tuyến; dịch vụ công, một cửa điện tử, quản lý văn bản. Về nhận thức số, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Về an toàn, an ninh mạng, có 4 hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn thông tin. Đã triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung cho máy tính của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Về chính quyền số, 100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong 10 tháng có gần 70 cuộc họp trực tuyến từ Trung ương xuống tỉnh, huyện, xã. Sử dụng văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến ngày càng được đẩy mạnh. Về kinh tế số, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, sàn thương mại điện tử, hóa đơn điện tử bắt đầu phát huy hiệu quả. Về xã hội số, hạ tầng bưu chính, viễn thông của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu  triển khai kinh tế số, xã hội số.

Trên những kết quả đạt được năm 2022, năm 2023 Tuyên Quang phấn đấu nâng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang xếp trong tốp 45 tỉnh với những việc cụ thể sau: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); duy trì hệ thống giám sát an toàn an ninh thông tin 4 cấp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh; giải pháp phòng chống mã độc cho máy vi tính của các cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang. 

Đồng thời tiếp tục xây dựng nền tảng chính quyền số, mở rộng kho dữ liệu dùng chung, trục kết nối dữ liệu (LGSP); cổng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang; nền tảng chính quyền số trên thiết bị thông minh (Mobile App), đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 chạy trên nền tảng di động. Tỉnh duy trì hệ thống chấm điểm đánh giá về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã; hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2023; thuê tập trung hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan Nhà nước trên toàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục xây dựng kiến trúc đô thị thông minh tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 1.0; cơ sở dữ liệu quản lý thi đua - khen thưởng" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện quyết liệt về chuyển đổi số, bám sát Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành. Ban chỉ đạo, tổ giúp việc phải chủ động tham mưu giúp việc, xây dựng kế hoạch cụ thể, có tính khả thi. Đồng thời, có kế hoạch phát động các phong trào thi đua gắn với chuyển đổi số; tuyên truyền thấm sâu vào người dân. Sau cuộc họp này, yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại, xây dựng kế hoạch có tính ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm của năm và giai đoạn cụ thể. Cùng với đó, cần xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm cho từng ngành, địa phương. Sở Tài Chính căn cứ kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí thực hiện việc chuyển đổi số theo Nghị quyết đề ra. 

Tin, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng dòng sự kiện