Trọng Dân, vì Dân

- Không phải đến khi bổ sung thêm cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” sau câu quen thuộc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII, vị thế của dân mới được nâng tầm, chú trọng. Thực tế, từ xưa đến nay, vấn đề trọng dân, vì dân luôn được đề cao, bảo đảm, nhất là từ khi có Đảng cách đây hơn 90 năm. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

1. Thực ra, cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” từng được đề cập đến khi chúng ta chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng XII, nhưng chưa có sự thống nhất cao, nên tạm thời dừng lại. Dừng lại, nhưng không có nghĩa là điều ấy không được triển khai trong thực tế. Dừng lại, không có nghĩa là có sự đứt gãy trong lịch sử hình thành, phát triển, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề này.

Lịch sử cho thấy rất rõ ràng, thuyết phục rằng, nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong mọi tiến trình lịch sử, trong bất kỳ dấu mốc, bước ngoặt lịch sử nào, ở trong nước cũng như trên thế giới. Ở châu lục nào, quốc gia nào cũng như vậy. Kiểm chứng điều này không khó, nhất là khi những thông tin ngày càng xuất hiện nhiều hơn, được “giải mật” nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt hết sức dễ dàng kiếm tìm trên mạng thông tin toàn cầu Internet.

Hẳn nhiên, ở Việt Nam cũng như vậy! Nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi (1380 - 1442) từng đúc kết một câu ngắn gọn nhưng hết sức bao quát, đủ đầy về vai trò, tầm quan trọng của nhân dân, đó là: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Tư tưởng ấy, quan điểm ấy được duy trì, thể hiện sinh động, xuyên suốt quá trình lịch sử cách mạng nước ta, cả những thành tựu rất đỗi tự hào, cũng như những bài học kinh nghiệm đắt giá, sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam - đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một sự nghiệp vẻ vang, một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương trong sáng, mẫu mực, trọn đời phấn đấu hy sinh, “nâng niu tất cả chỉ quên mình” vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Việc “lấy dân làm gốc” được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với quan điểm cơ bản, đầy đủ, hết sức khái quát, khẳng định rõ vai trò của quần chúng nhân dân, đó là: “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”. Người khẳng định rất hình ảnh, dễ hình dung, đầy thi vị rằng: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và quan điểm “lấy dân làm gốc” chính là tư tưởng thường trực để lãnh đạo đất nước suốt hơn 90 năm kể từ khi ra đời, từ ngày 3-2-1930 lịch sử, tự hào. Đảng dựa vào dân, tin dân, chăm lo cho nhân dân. Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân chính là nền tảng giúp đất nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong lịch sử mấy ngàn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước “của dân, do dân, vì dân”...

2. Có một điều đáng chú ý là trong khoảng gần chục năm trở lại đây, cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” đã trở nên ngày càng phổ biến hơn, nhất là nó gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả trên khắp cả nước. Thế nên, bất kỳ ở đâu cũng dễ dàng nhận thấy việc người dân thể hiện sự giám sát của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư trong xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn. Nhờ có sự giám sát của nhân dân, những “tai mắt” của nhiều người nghe ngóng, để ý, chứng kiến nên đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hiệu quả càng thấy rõ khi sự giám sát được thực hiện qua nhiều hình thức, tổ chức khác nhau; từ khâu bắt đầu đến quá trình thi công rồi bàn giao đưa vào sử dụng các công trình nông thôn mới như đường giao thông, chợ, nhà văn hóa...

Và khi “tai mắt” được đề cao, xem trọng, chất lượng các công trình nói riêng, phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung được nâng lên rõ rệt. Và chính điều ấy đã góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát nguồn vốn, nhất là những nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn do người dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, sự giám sát của dân chính là “cầu nối” đưa đến sự thụ hưởng, hài lòng của chính họ. Tôi đã có dịp đến, tìm hiểu, viết nhiều bài về việc xây dựng nông thôn mới, trên khắp cả nước. Ở đâu cũng dễ thấy sự giám sát của người dân được thể hiện. Đặc biệt, nơi nào cũng thấy đa phần người dân được hưởng lợi, và họ hết sức hài lòng với những kết quả mà quá trình xây dựng nông thôn mới đem lại, từ sự thuận tiện trong đi lại đến đời sống kinh tế, tinh thần ngày một được cải thiện, nâng cao hơn.

Xin được viện dẫn một vài kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010), để thấy rõ hơn việc “dân giám sát, dân hưởng thụ” biểu lộ ra sao. Một trong những thành tựu nổi bật, đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tổ chức ngày 9-10/12/2020), phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng được nhắc đến đậm nét, qua các phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; qua các thành tựu nổi bật trong phong trào. Chính vì thế, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng là một trong bốn phong trào thi đua trọng tâm cần thiết phải được triển khai có hiệu quả, sáng tạo trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh các phong trào thi đua khác là: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

3. Có lẽ, sự hiệu quả từ việc “dân giám sát, dân hưởng thụ” hiển hiện rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới những năm qua, trên phạm vi khắp cả nước, nên việc đưa cụm từ này vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã được nhân dân thống nhất cao. Chính điều này cũng là biểu hiện sinh động của việc ý Đảng hợp với lòng dân. Đó cũng chính là quá trình tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tất nhiên, không chỉ có công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc “dân giám sát, dân hưởng thụ” mới được thể hiện. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII còn thể hiện rõ quyền của người dân được đặc biệt chú trọng. Đó là những quyền lợi hết sức sát sườn, thiết thực, từ sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường sống lành mạnh, trong sạch, an toàn. Đó là việc không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà là sự hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa phát triển kinh tế với xã hội, văn hóa, an sinh xã hội; là sự thụ hưởng của người dân cả về vật chất và tinh thần, an sinh xã hội được xem trọng hơn.

Tất nhiên, để “dân giám sát, dân hưởng thụ” thực sự đi vào đời sống lâu bền, hiệu quả, không chỉ thông qua một vài phong trào cụ thể, hay trong những thời điểm nhất định. Để hiện thực hóa điều đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải có những sự thay đổi lớn về cơ chế giám sát, chính sách thụ hưởng cho người dân một cách cụ thể, rõ ràng, hợp lý, tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, phát triển đất nước vững bền nói chung. Ấy cũng chính là sự chăm lo cho dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, của một Đảng luôn chỉ tâm niệm mọi hoạt động vì Tổ quốc, vì nhân dân.

TS. Nguyễn Tri Thức

Tin cùng dòng sự kiện