F0 test nhanh một vạch liệu đã an toàn, không lây cho người khác?

Sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 mới được coi là an toàn.

(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Tôi đã nhiễm Covid-19 được 7 ngày và đã test nhanh âm tính. Như vậy, tôi đã an toàn không lây nhiễm cho người khác hay chưa?

Trả lời: 

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Nhiều bệnh nhân Covid-19 hiện nay hết triệu chứng chỉ sau 4-5 ngày, thậm chí 2-3 ngày. Những người này cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV sớm và tự cho rằng bản thân đã khỏi bệnh, từ đó thoải mái trở lại sinh hoạt, làm việc.

Tuy nhiên, quan điểm này chưa chính xác bởi vì sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 mới được coi là an toàn.

Nguyên nhân đầu tiên là việc test nhanh cho kết quả âm tính chưa thể khẳng định cơ thể đã sạch virus. Nếu độ nhạy của test không cao hoặc việc lấy mẫu không đúng quy trình cũng như kỹ thuật, sai vị trí, kit test sẽ không hiển thị kết quả chính xác.

Thứ hai, trong trường hợp test nhạy, người lấy mẫu làm đúng và cho kết quả âm tính, việc cơ thể hết virus cũng không đồng nghĩa bệnh sẽ không diễn biến nặng trong thời gian sau đó.

Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng sẽ phải trải qua 3 pha, gồm: nhiễm cấp, phổi và miễn dịch.

Pha nhiễm cấp được tính trong khoảng 0-5 ngày đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng. Lúc này, SARS-CoV-2 bắt đầu tấn công cơ thể và nhân lên nhanh chóng. Virus có thể xuất hiện ở hầu hết dịch xét nghiệm. Do đó, tỷ lệ phát hiện dương tính rất cao.

Pha phổi sẽ diễn ra từ ngày thứ 5 đến 10 kể từ thời điểm phát hiện triệu chứng. Ở giai đoạn này, tải lượng virus sẽ giảm đáng kể, từ đó nhiều khả năng cho kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nCoV có thể tấn công vào phổi.

Giai đoạn cuối cùng là pha miễn dịch, chủ yếu liên quan bệnh nhân viêm phổi ARDS, có sốc,... và phải điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu.

Như vậy, sau 10 ngày, bệnh nhân không có triệu chứng bất thường, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) ổn định, chúng ta mới hiểu SARS-CoV-2 không tấn công vào phổi và an tâm trở lại sinh hoạt bình thường.

Nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao là người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe, nhất là chỉ số SpO2 đến khi đủ 10 ngày.

Một số trường hợp khác sau 10 ngày khởi phát triệu chứng vẫn có kết quả dương tính với nCoV. Theo bác sĩ Phúc, việc âm tính hay dương tính sau khi test nhanh không phải vấn đề quá đáng lo nếu F0 đã trải qua đủ thời gian này.

Vì dù test nhanh vẫn dương tính với nCoV, bệnh nhân sau 10 ngày sẽ ít có nguy cơ diễn biến nặng. Về khả năng lây lan virus, các nghiên cứu đến nay cũng cho thấy, sau 10 ngày kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nguy cơ lây SARS-CoV-2 rất thấp, gần như bằng không.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện