Khi y, bác sỹ là F0

- Hàng người xếp dài ngoài cổng, luôn có người chờ đến lượt được test Covid -19 trong sân trạm y tế. Những bàn tay của cán bộ y tế cơ sở thoăn thoắt nhưng giọng nói đã lạc đi và những đôi mắt có phần trũng sâu vì thiếu ngủ nhiều ngày…

Những ngày không quên

Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh, áp lực công việc nặng trĩu đôi vai 4 nhân viên Trạm Y tế xã Tân Thanh (Sơn Dương) khi địa phương có hơn 700 ca F0. Trời nhá nhem tối, những tưởng, các y, bác sỹ sẽ được nghỉ ngơi và tôi có thể tranh thủ thời gian trò chuyện. Nhưng cuộc trao đổi vẫn thường xuyên bị ngắt quãng vì chốc lát lại có người dân đến khai báo y tế hay gọi điện cần tư vấn điều trị F0 tại nhà.

Sau một ngày dài làm việc, chưa được nghỉ ngơi, cũng chưa ăn bữa tối, đôi mắt bác sỹ Vũ Đình Kỷ, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thanh hiện rõ vẻ mệt mỏi. Bác sỹ Kỷ chia sẻ, những ngày cao điểm trạm đón hơn trăm ca F0, F1. Trạm có 4 nhân viên gồm 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 điều dưỡng, 1 hộ sinh. Lực lượng mỏng, mỗi ngày phải đảm đương nhiều công việc cùng một lúc, từ hoàn thành hồ sơ giấy tờ cho đến tiếp đón, hướng dẫn khai báo, lấy mẫu, phân loại, hướng dẫn cách ly, điều trị F0 tại nhà… Bởi vậy, công việc mỗi ngày của các y, bác sỹ thường kết thúc rất muộn, có hôm 21, 22 giờ đêm mới được ăn tối. Hơn 1 tháng nay, tất cả cán bộ tại trạm chưa ai được một lần về thăm nhà.

Bị F0 đúng lúc dịch đang căng thẳng, hộ sinh Lâm Thị Ngân (người đứng lấy mẫu) vẫn phải làm nhiệm vụ
lấy mẫu xét nghiệm Covid 19 cho người dân.

Thời điểm cuối ngày, số người đến trạm đã thưa hơn, chứ ban ngày, khoảnh sân rộng chừng vài chục mét vuông vẫn chẳng đủ chỗ để cho những người F0 và F1 đứng riêng rẽ. Đó không phải tình trạng riêng của Trạm Y tế xã Tân Thanh.

Hơn 12 giờ trưa, tại Trạm Y tế xã Thái Bình (Yên Sơn), vừa hoàn thành làm thủ tục hướng dẫn cách ly và theo dõi tại nhà cho 2 bệnh nhân F0 cuối cùng của ngày, y sỹ Hỏa Thị Ngần trong bộ đồ bảo hộ kín mít đưa 2 tay đỡ lấy lưng, vừa xoa vừa từ từ ngồi xuống chiếc ghế ngay khu vực lấy mẫu. Cảm giác như tất cả sức lực chị vừa dồn vào công việc cả rồi. Nhìn dáng vẻ mệt nhoài của chị, tôi chỉ mong đừng có thêm ai đến lúc này để chị được nghỉ ngơi. Nhưng còn chưa kịp tháo bảo hộ, lại có 2 người tiến vào sân trạm test Covid-19, chị lại đeo găng tay và tiếp tục vào vị trí làm việc.

Còn y sỹ Nguyễn Thị Trang, dù đang mang bầu tháng thứ 6 và mới khỏi Covid-19 nhưng cũng đã trở lại làm việc. Tay chị thoăn thoắt gõ máy tính, thống kê lượng bệnh nhân trong ngày làm báo cáo. Chốc lát công việc của chị lại bị dán đoạn bởi người dân đến khám sức khỏe, xin cấp thuốc... Cường độ làm việc ở đây lúc nào cũng khẩn trương, cấp tốc.

Dù đang mang bầu tháng thứ 6, y sỹ Nguyễn Thị Trang vẫn thường xuyên trực chống dịch.

Những cống hiến lặng thầm

Quá tải hiện là tình trạng chung của hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những ngày này, thời gian làm việc của các y, bác sỹ tại các trạm y tế lên tới hàng chục tiếng mỗi ngày. Điện thoại lúc nào cũng sẵn sàng nhận cuộc gọi, nhất là trường hợp F0 điều trị tại nhà luôn cần tư vấn, hướng dẫn điều trị.

Trong điều kiện mỗi ngày làm việc ba bề, bốn phía đều là F0, khiến các nhân viên y tế phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm bệnh. Cùng với hộ sinh Lâm Thị Ngân, Trạm Y tế xã Tân Thanh còn 2 cán bộ khác cũng đang trong thời gian nhiễm bệnh. Mặc dù kết quả xét nghiệm vẫn là dương tính nhưng đã không còn khả năng lây bệnh, chị Ngân nhanh chóng quay lại làm việc. Chị Ngân chia sẻ, hiện trạm y tế có 4 nhân viên thì 3 người đã và đang bị F0. Bản thân mọi người bị F0 nhưng vì công việc vẫn phải cố gắng làm hết sức. Tuy vậy không ít lần chị và đồng nghiệp bị bệnh nhân và người nhà trách móc, xúc phạm vì gọi điện không được. Thực ra mọi người nếu ở đây mới hiểu được khối lượng công việc khổng lồ đến mức nào.

Tranh thủ lúc không có bệnh nhân các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Tân Thanh lại miệt mài bên sổ sách làm thống kê, báo cáo.

Cùng cảnh ngộ với chị Ngân là điều dưỡng Diệp Thị Tuyến. Ngày biết mình trở thành F0, chị Tuyến cũng rất lo lắng, vì chính chị cũng không thể đoán biết được diễn biến của căn bệnh này sẽ như thế nào. Chị Tuyến chia sẻ, với bất cứ một F0 nào, họ đều được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng khi nào khỏi bệnh, bình phục sức khỏe mới tiếp tục làm việc. Nhưng các y, bác sỹ F0 ở trạm đều có chung một suy nghĩ, không thể bỏ bệnh nhân lúc này được. Trong khi đó, lực lượng tuyến đầu thì quá mỏng, họ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ vẫn chưa thể khỏa lấp hết công việc cùng những đòi hỏi cấp thiết lúc bấy giờ.

Nhân viên y tế nhiễm Covid -19 hiện đang là vấn đề mà nhiều trạm y tế phải đối mặt. Lần thứ 2 nhiễm bệnh, các triệu chứng hành hạ khiến bác sỹ Trần Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Bình rất mệt mỏi, khó chịu. Từ khi nhiễm bệnh chị vẫn chưa được nghỉ ngày nào. Bác sỹ Oanh chia sẻ, hiện trạm có 6 nhân viên thì 5 nhân viên đã và đang mắc Covid -19. Nhân lực thì ít, công việc hiện nay đã là quá tải. 25 năm công tác, chưa bao giờ chị thấy cán bộ y tế phải đối mặt với một áp lực lớn như vậy. Vì trách nhiệm của người thầy thuốc, vì người dân đang rất cần họ, nên kể cả khi đã là F0 các y, bác sỹ vẫn phải cố gắng ở lại, chia sẻ những khó khăn, vất vả với đồng nghiệp.

 Bác sỹ Trần Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Bình tận tình tư vấn những thắc mắc cho người dân.

Thời điểm tình hình dịch diễn biến căng thẳng nhất cũng là lúc y sỹ Dương Thị Minh Tuất và các nhân viên Trạm Y tế Thái Bình phải làm việc 24/24 giờ tại trạm. Y sỹ Tuất cho biết, cách đây 2 tuần các con chị cũng bị mắc Covid-19 nhưng chị không có thời gian để chăm lo cho các con. Có lúc người nhà chị bị F0 vẫn phải hỗ trợ chăm con. Nhiều lúc nhớ con gọi điện nói chuyện. Câu nói khiến chị xót lòng nhất đó là mẹ ơi con mệt lắm, mẹ về với con đi! “Lúc đó, tôi chẳng biết trả lời các con ra sao. Tôi bảo con uống thuốc, ăn nhiều là hết mệt, được nghỉ mẹ sẽ về", chị Tuất bật khóc.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch bùng phát từ sau Tết đến nay, cán bộ y tế cơ sở trở thành tuyến đầu dập dịch ở cộng đồng với bao áp lực và khó khăn. Bác sỹ CKII La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, hiện nay, công tác điều trị F0 tại nhà là nhiệm vụ mới, đặt ra rất nhiều áp lực cho y tế cơ sở. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn tại trạm, các y, bác sỹ còn làm tốt việc thăm khám, hướng dẫn cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe cho người mắc Covid-19 tại nhà. Mỗi trạm lực lượng thì mỏng, đến nay đã có hơn 900 nhân viên y tế mắc Covid 19, có đơn vị mắc chiếm ½ cán bộ dẫn đến khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh. Cùng với đó, trang thiết bị chống dịch còn thiếu thốn. Nhưng bằng nhiệt huyết của đội ngũ tuyến đầu ở xã, phường, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào công tác phòng chống dịch chung của tỉnh.

Những bữa cơm ăn vội đã trở nên quá quen thuộc với mỗi nhân viên ở Trạm Y tế xã Tân Thanh.

Anh Nguyễn Việt Hùng, thôn 7, xã Thái Bình (Yên Sơn) bày tỏ, ban đầu khi các thành viên trong gia đình bị F0, anh vô cùng lo lắng. Anh đã được cán bộ y tế xã tư vấn, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn cụ thể, nhờ đó gia đình anh yên tâm điều trị tại nhà. Hiện tại sức khỏe tất cả thành viên trong gia đình anh đã tốt hơn.

Cũng giống như cán bộ, nhân viên y tế ở Trạm Y tế Tân Thanh, Thái Bình, các y, bác sỹ cơ sở trên khắp địa bàn tỉnh mỗi người mỗi hoàn cảnh, song vì nhiệm vụ chung họ vẫn đang nỗ lực ngày đêm, đối diện với những khó khăn, vất vả, nguy hiểm, gác lại hạnh phúc riêng để hoàn thành sứ mệnh khi khoác trên mình chiếc áo blu trắng. Và tất cả họ đều mong muốn, người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch, góp phần cùng các lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh.

Ghi chép: Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện