Chủ động phòng, chống thiên tai ngay từ đầu mùa mưa bão

- Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi núi cao và sông suối, hàng năm Tuyên Quang đều chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão hoặc rãnh thấp kết hợp với hoàn lưu bão gây mưa vừa, mưa to đến rất to dẫn đến lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá, ngập lụt làm thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Bởi vậy, các địa phương cần chủ động kế hoạch di dời nhà cửa, bảo vệ tính mạng cho người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Được tuyên truyền, vận động, gia đình chị Phạm Thị Thủy, thôn Yên Thắng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã chủ động di dời nhà ở đến nơi an toàn. Chị Thủy cho biết, do phía sau nhà cũ có tả luy cao hơn 15 m, mỗi trận mưa, đất đá bị lở xuống gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của gia đình, chị đã chủ động di dời nhà ở đến nơi an toàn.

Cán bộ xã Thắng Quân (Yên Sơn) cắm biển cảnh báo điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến thôn Văn Lập.

Ông Nguyễn Đức Quyến, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thắng Quân cho biết, để chủ động làm tốt công tác phòng chống lụt, bão trong mùa mưa lũ năm nay, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy, trên cơ sở thực tế dựa vào những loại hình thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây để xây dựng các phương án ứng phó, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh lũ, sạt lở đất, sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng được địa phương đẩy mạnh nhằm xử lý kịp thời những tình huống, góp phần làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Năm 2020, xã đã di dời 1 hộ nằm trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Năm 2021, xã tiếp tục thực hiện rà soát các hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai để đưa vào kế hoạch di chuyển năm 2021.

Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt, lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, phát huy tối đa phương án “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) sẵn sàng đối phó, ứng cứu khi có thiên tai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ tuyến đê, thành lập các chốt trạm trực tại các điểm xung yếu để bảo vệ đê và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn đê và mất đất sản xuất của người dân. 

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất và tác động do mưa, lũ; tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến mưa lũ để kịp thời sơ tán, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện