Bảo tàng đón khách trở lại trong điều kiện an toàn

Sau một tuần được phép mở cửa đón khách trở lại, số bảo tàng trên địa bàn thành phố Hà Nội khởi động hoạt động tham quan, trải nghiệm trực tiếp chưa nhiều và lượng khách tìm đến cũng còn ít. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế được thực hiện đầy đủ nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và du khách, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm) ghi nhận lượng khách đến còn khá thưa thớt. Điều này cũng nằm trong dự tính chung của những người làm công tác bảo tàng khi tình hình dịch Covid-19, dù cơ bản đã được kiểm soát, song vẫn tiềm ẩn không ít nguy cơ, nên công chúng và du khách còn có tâm lý dè dặt với các hoạt động tham quan, trải nghiệm.

Theo bà Tô Thị Thủy Lâm, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch Covid-19, như: Thường xuyên khử khuẩn môi trường, thực hiện đo thân nhiệt, nhắc nhở khách tuân thủ việc quét mã QR, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và duy trì khoảng cách khi di chuyển.

"Đối với đoàn khách đông, Bảo tàng thực hiện chia thành nhiều đoàn nhỏ, tối đa 10 người để bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Điều này cũng sẽ được thực hiện trong tour "Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội", sự kiện được khởi động vào dịp cuối tuần này (23-10), mà điểm đến đầu tiên trong hành trình chính là công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia", bà Tô Thị Thủy Lâm cho biết.

Khác với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) chỉ mới mở cửa trở lại vào ngày 18-10 sau nhiều tháng đóng cửa để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh trưng bày thường xuyên mang đến cái nhìn tổng quan, chi tiết về người phụ nữ Việt Nam thông qua các nghi lễ, phong tục hôn nhân, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống cũng như những đóng góp cho gia đình và xã hội trong suốt chiều dài lịch sử, Bảo tàng còn giới thiệu tới công chúng Triển lãm "Vững tay chèo lái", kể câu chuyện chân thực, giản dị của những người phụ nữ khởi nghiệp vững vàng vượt qua dịch bệnh, tiếp tục gặt hái thành công. 

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, quận Ba Đình), công tác chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phục vụ công chúng tham quan đã được tăng cường từ nhiều ngày trước thời điểm mở cửa (ngày 19-10). Ông Nguyễn Văn Tuân (Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông) cho biết, bản thân thấy yên tâm trước công tác phòng, chống dịch được triển khai tại Bảo tàng. Du khách được hỗ trợ đo thân nhiệt và hướng dẫn khai báo y tế, thường xuyên được nhắc nhở về đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách. Bảo tàng là một trong 3 điểm ông đến thăm khi được mở cửa, cùng với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.   

Khác với các điểm đến kể trên, nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khá dè dặt với công tác đón tiếp khách tham quan. Đơn cử như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một trong nhiều điểm đến rất được công chúng yêu thích, đến giờ vẫn chưa có thông báo chính thức về thời điểm mở cửa trở lại. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Trần Hồng Hạnh, việc mở cửa bảo tàng phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý khách. Chính vì vậy, việc đánh giá xu hướng khách trong thời điểm này là cần thiết. Bảo tàng sẽ thực hiện lấy ý kiến khách tham quan về thời điểm mở cửa trước khi có quyết định chính thức.

Cũng theo bà Trần Hồng Hạnh, để sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại, bên cạnh công tác chuyên môn, đơn vị sẽ rà soát lại toàn bộ công tác phòng, chống dịch. Cán bộ, nhân viên của Bảo tàng được tập huấn kỹ năng hướng dẫn du khách tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... Ngoài ra, đơn vị sẽ duy trì việc phun khử khuẩn định kỳ; tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm trong không gian giãn cách...

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục