Hòa Bình kích cầu du lịch trong tình hình mới

Ngày 29-10, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị Kích cầu du lịch năm 2021 trong tình hình mới. Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu thuộc Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội lữ hành Việt Nam; Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch.

Kích cầu bằng lợi thế điểm đến an toàn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo du lịch tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Chương trình Kích cầu du lịch năm 2021 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được phát động mang thông điệp “Du lịch tỉnh Hòa Bình - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” nhằm truyền thông về điểm đến Hòa Bình an toàn, thân thiện với các sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn.

 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị.

Hiện tại, các khu, điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã hoạt động trở lại, sẵn sàng đón tiếp khách du lịch. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện các gói sản phẩm kích cầu đã công bố trước đây, đồng thời, tiếp tục xây dựng, triển khai công bố các gói kích cầu du lịch mới.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã cam kết giảm giá nhưng giữ nguyên chất lượng, như Mai Châu Hideaway Lake Resort miễn phí cho dịch vụ biểu diễn văn nghệ, vé vào cửa, giảm 10% giá buồng phòng; Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình cam kết giảm 30% giá phòng nghỉ và các tour khám phá, trải nghiệm; 50% giá các dịch vụ: Văn nghệ dân tộc, hướng dẫn viên bản địa, lửa trại hay Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam giảm 30% vé vào cửa, 20% cho các dịch vụ khác…

Để du lịch Hòa Bình phát triển bền vững...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn, thời gian tới, tỉnh đặc biệt quan tâm các sản phẩm thế mạnh như du lịch du lịch thể thao với giải Hòa Bình Marathon và nhiều sân golf đạt tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn để có thể đón khách như Phượng Hoàng - Phoenix Golf Resort, Geleximco Hòa Bình - Hilltop Valley Golfclub.

Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết: Các doanh nghiệp, điểm đến của Hòa Bình đã chủ động xây dựng các gói sản phẩm kích cầu, nhưng để nâng cao tính hiệu quả và sự liên kết giữa Hòa Bình và Hà Nội, các doanh nghiệp nên kéo dài thời gian kích cầu đến năm 2022. “Với lợi thế của mình, Hòa Bình thường xuyên thu hút lượng lớn khách lẻ vào dịp cuối tuần”, ông Hùng nói.

Khẳng định Hòa Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa Hòa Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết: Trong năm 2022, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định, một số sự kiện văn hóa, thể thao du lịch của tỉnh với quy mô lớn sẽ được tổ chức gồm: Lễ hội Đất mường, Lễ hội khai hạ Mường Bi, Liên hoan văn hóa Mo Mường, Cuộc thi Đại sứ du lịch Hòa Bình, Chương trình quảng bá văn hóa - Du lịch Hòa Bình tại Hà Nội...

Đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình trong tình hình mới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra và một số nội dung như: Nghiên cứu để kéo dài thời gian kích cầu du lịch mang tính chất gối đầu đến tháng 3-2022 theo cơ chế mở để các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành có thời gian tiếp thị, quảng bá đến du khách. Các ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp để tiếp tục duy trì “vành đai xanh”, bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển và mở cửa du lịch nội tỉnh cũng như giữa Hòa Bình với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Thanh Hóa và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Cùng với đó, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ du lịch Hòa Bình phục hồi, sớm thúc đẩy phát triển du lịch, thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển dân tộc; ứng dụng công nghệ thông minh và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số xúc tiến, quảng bá du lịch (http://safe.tourism.com.vn, http://travelpass.tourism.vn); hỗ trợ mở các lớp, chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch…

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục