Lò lu Đại Hưng

Gốm là nghề truyền thống nổi tiếng của đất Bình Dương, trong đó, lò lu Đại Hưng là một trong những đại diện tiêu biểu, thể hiện bản sắc của miền đất này. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: “Ai về chợ Thủ bán hũ, bán ve/ Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”...

Lò lu Đại Hưng nằm ở ấp 1, phường Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía bắc. Cái tên “lò lu” xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... dùng cho sản xuất nông, ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. Lò lu Đại Hưng là lò gốm cổ nhất Bình Dương, hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, với các sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng.

Có lịch sử trên 150 năm, trải qua nhiều thăng trầm, có những quãng thời gian, lò lu Đại Hưng tưởng như phải đóng cửa, ngừng sản xuất. May mắn thay, lò lu này đã được giữ lại với quan điểm bảo tồn nghề truyền thống của địa phương. Tháng 10-2006, lò lu Đại Hưng được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Người có công giữ gìn, bảo tồn và phát triển lò lu Đại Hưng là ông Bùi Văn Giang (Tám Giang), người chủ thứ 5 đã gắn bó, quản lý cơ sở gốm truyền thống này hơn 30 năm.

Sản phẩm của Đại Hưng chủ yếu là những sản phẩm gốm gia dụng, phục vụ nhu cầu của những người làm nông - ngư nghiệp. Đó là các loại lu, khạp, hũ... với nhiều kích cỡ. Mỗi ngày, lò xuất xưởng trung bình khoảng 300 sản phẩm các loại, tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và cả Campuchia, Thái Lan. Hàng hóa chủ yếu được vận chuyển theo đường thủy.

Qua thăng trầm lịch sử và những thay đổi của đời sống, xã hội, lò lu Đại Hưng hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống như xưa, không sử dụng máy móc (trừ khâu làm đất); trong khi các cơ sở gốm khác ở Bình Dương đã cơ giới hóa nhiều. Đây là quan điểm bảo tồn của ông chủ Tám Giang và ngành Văn hóa tỉnh Bình Dương nhằm giữ gìn giá trị truyền thống được kế thừa từ hàng trăm năm qua.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục