Một thoáng Chư Đăng Ya

Chư Đăng Ya - một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước, nằm trên địa bàn làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Với điều kiện khí hậu đặc trưng chia thành hai mùa rõ rệt của vùng Tây Nguyên, mỗi mùa Chư Đăng Ya lại khoác lên mình “chiếc áo mới” với những sắc màu thú vị, khiến du khách ấn tượng mãi không thôi…

Núi lửa đẹp nhất hành tinh

Trong quá trình biến động địa chất toàn cầu hàng chục triệu năm trước, Gia Lai là vùng đất nằm trong khu vực hoạt động mạnh mẽ của hơn 30 ngọn núi lửa. Đến nay, dấu tích của núi lửa vẫn còn nhưng được bao phủ bởi màu xanh của sự sống thanh bình. Không chỉ có vậy, những núi lửa này còn là thắng cảnh độc đáo của phố núi Gia Lai, một trong số đó là Chư Đăng Ya. Năm 2018, tạp chí Daily Mail danh tiếng của Anh đã bình chọn núi lửa Chư Đăng Ya là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh. 

Núi Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 30km về phía đông bắc, cao khoảng 500m so với mực nước biển. Đường tới đây khá thuận tiện và là “con đường du lịch” bởi đi qua những danh thắng nổi tiếng như hồ T’Nưng, Biển Hồ Chè, chùa Bửu Minh và những rẫy cà phê trải dài...

Trong tiếng của đồng bào J’rai, cái tên “Chư Đăng Ya” có nghĩa là “củ gừng dại”, gắn với truyền thuyết về loài cây có thể chữa bệnh cho con người. Nhưng trên hết, Chư Đăng Ya thu hút bởi vẻ đẹp bí ẩn, hoang sơ giữa đại ngàn hùng vĩ. Từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy núi Chư Đăng Ya với hình dáng như một chiếc bát úp khổng lồ. Miệng núi là một lòng chảo trũng với vách núi nghiêng 45oC, thoai thoải dẫn xuống vùng bình địa bằng phẳng. Toàn bộ khu vực phía trong, ngoài sườn núi tỏa ra khu vực xung quanh là nơi người dân canh tác, trồng các loại rau màu. Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya khoác lên mình một màu xanh trù phú của lúa, ngô, khoai, rau, bí đỏ... Mùa khô, cả vùng núi bừng sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ và màu hồng tươi của cỏ đuôi chồn xen giữa nền xanh của cây lá, tạo nên một bức tranh sống động. Những sắc màu tươi vui ấy được kết tinh từ sự màu mỡ, phì nhiêu tích tụ trong lớp đất đỏ bazan và những khoáng chất ẩn trong lớp dung nham, tạo thành nguồn đất giàu dinh dưỡng. Bởi vậy, cây cối, hoa màu trên núi Chư Đăng Ya luôn tươi tốt, cho năng suất cao mà người dân không phải vất vả tưới tắm như những vùng đất khác. 

Làng du lịch khép kín

Đến với Chư Đăng Ya vào thời điểm cuối tháng 10 đến tháng 12, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một vùng rộng lớn phủ đầy hoa dã quỳ - “đặc sản” của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Từ năm 2018 đến nay, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ thường niên, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến với Chư Đăng Ya.

Chị Lê Thu Nga, du khách đến từ Bình Thuận chia sẻ: “Tôi rất mê hoa dã quỳ. Cứ đến mùa, tôi và các bạn lại trở về Chư Đăng Ya để tìm cho mình những khoảnh khắc lãng mạn, bình yên. Chúng tôi yêu không khí trong lành của vùng đất cao nguyên nắng gió này, yêu sự chân chất, thật thà cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào J’rai nơi đây. Với tôi, mỗi lần đến với Chư Đăng Ya là dịp để trở về với ngôi nhà thân yêu của mình”.

Từ một vùng đất hoang sơ, chỉ có núi rừng, cây cỏ cùng những mái nhà rông của đồng bào J’rai, làng Ia Gri dưới chân núi Chư Đăng Ya nay bừng lên sức sống mới nhờ phát triển du lịch. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân nay đã biết đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan núi Chư Đăng Ya; kể cho du khách nghe về những truyền thuyết của đồng bào mình hay nấu cho du khách những món ăn truyền thống. Đến với làng Ia Gri, du khách còn được đắm chìm trong những điệu cồng chiêng khỏe khoắn, vui tươi do chính các chàng trai, cô gái trong bản biểu diễn, hay trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát. Những du khách ưa du lịch mạo hiểm sẽ được thử cảm giác mạnh khi bay dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya...

Để khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại làng Ia Gri gắn với danh thắng núi lửa Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai đã xây dựng dự án “Làng du lịch J’rai nguyên tác khép kín” nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào J’rai gắn với phát triển du lịch. Dự án được quy hoạch trên diện tích 5ha bên sườn núi Chư Đăng Ya với kinh phí 25 tỷ đồng. Thời gian tới, du khách đến đây có thể ở lại nhà dân nhiều ngày để trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục tập quán của đồng bào J’rai, qua đó có thể cảm nhận rõ nét về bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Đây chính là “bàn đạp” đưa núi lửa Chư Đăng Ya trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Gia Lai.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục