Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam

Chiều 18/1, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo kết quả Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam cho 15 tỉnh, thành phố năm 2021 (VTCI 2021) để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch, mở cửa thị trường khách quốc tế và tổng kết Dự án “Hỗ trợ TAB xây dựng Quỹ phát triển du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Năm 2021, với sự hỗ trợ của TAB và Ban IV, các chuyên gia của dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng năng lực cạnh tranh về du lịch của 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam dựa trên những tiêu chí khác nhau. Đó là các tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Lào Cai, Bình Thuận, Cần Thơ.

Mục đích của dự án VTCI là xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam nhằm xây dựng định hướng cho phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. Đây là công cụ để điểm đến du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh một cách có mục tiêu, kiểm soát việc đạt được các mục tiêu đó và hoạch định các biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển du lịch mạnh mẽ hơn.

Các địa phương đạt chỉ số cạnh tranh cao bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: 15 địa phương được đưa vào dự án VTCI 2021 là những cánh chim đầu đàn của ngành du lịch. Các địa phương cần nhìn lại mình qua Bộ chỉ số đánh giá rất khách quan đã được các chuyên gia xây dựng để biết đâu là điểm mạnh vượt trội, đâu là điểm yếu để có những giải pháp căn cơ, bài bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, từ đó nâng cao hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam.

Việc công bố kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là bước chuẩn bị cho nước ta thúc đẩy phục hồi du lịch trong thời gian tới, giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tốt vai trò tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch.

Tại hội nghị, các chuyên gia của Dự án EU đã trình bày tóm tắt về dự án và giới thiệu Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam. Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch.

Phương pháp tiếp cận của hệ thống dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Theo đó, hệ thống được điều chỉnh và bổ sung các chỉ số lựa chọn phù hợp với đặc thù của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc so sánh năng lực cạnh tranh du lịch giữa các tỉnh.

Các nhóm chỉ số để phân tích và đánh giá bao gồm: môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB, cho rằng đây chính là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch, đặc biệt là khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ, điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai.

Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam chính là công cụ quan trọng trong lộ trình phát triển.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục