Sắc màu Maroc

Vương quốc Maroc (Morocco) nằm ở Bắc Phi, ngay “giao lộ” giữa lục địa châu Phi và châu Âu. Nhìn trên bản đồ, Maroc chỉ cách Tây Ban Nha qua eo biển Gibraltar khoảng 13km. Maroc có nền văn hóa rực rỡ, phong phú, hình thành bởi sự giao thoa giữa các nền văn hóa phương Đông, phương Tây và phương Bắc.

Một góc thủ đô Rabat.

Những thành phố di sản

Vương quốc Maroc được hình thành vào thế kỷ XI với nền thương mại phát triển mạnh mẽ. Năm 1912, Pháp và Tây Ban Nha cùng chiếm đóng Maroc. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa đã tạo nên những sắc màu đa dạng và sự hấp dẫn cho Maroc - đất nước đứng thứ 35 thế giới và thứ 2 châu Phi về du lịch, theo Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam. 

Thủ đô của Maroc là thành phố Rabat nằm bên bờ Địa Trung Hải, là một trong những “thiên đường du lịch” cùng với các thành phố Fes, Marrakech, Casablanca, Chefchaouen... Rabat đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kiến trúc nổi bật tại đây là những ngôi nhà truyền thống (riad) nằm trong những con ngõ nhỏ hẹp nhưng bên trong là một không gian rộng, xanh mát và yên bình. Mỗi riad đều có một không gian mở ở giữa nhà với vòi phun nước hoặc hồ bơi, nhiều cây xanh và được lát bởi những viên đá hoa đầy sắc màu. Nhiều riad còn có sân thượng để ngồi ngắm hoàng hôn và thưởng thức trà chiều.

Để hiểu hơn về Maroc, du khách nên tìm đến các medina - khu chợ cổ có tường thành bao quanh, ngoằn ngoèo với vô số lối rẽ như mê cung khiến các ứng dụng tìm đường phổ thông như Google Maps hay GPS cũng phải “chào thua”. Mỗi thành phố ở Maroc lại có một medina. Nếu như medina ở thành phố Fes là mê cung khó quên của khứu giác với mùi da thuộc, các đồ thủ công rực rỡ và các phương tiện di chuyển thô sơ, thì medina ở Marrakech là “thiên đường” ẩm thực. 

Đến Marrakech, du khách nên hòa mình vào phiên chợ “ngàn lẻ một đêm” huyền bí ở quảng trường Djemaa El Fna. Phiên chợ này xuất hiện từ thế kỷ XI, được chính phủ Maroc bảo vệ từ năm 1922 và được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản thế giới, đồng thời đánh dấu nơi này là một không gian chịu “mối đe dọa nghiêm trọng” từ quá trình đô thị hóa và đồng hóa văn hóa. Sự lo ngại của UNESCO là có cơ sở, bởi cho dù phiên chợ này vẫn giữ được hồn cốt văn hóa nhờ những người kể chuyện, người thổi rắn thường truyền miệng các truyền thuyết lịch sử, nhưng nó cũng bắt đầu có dấu hiệu bị thương mại hóa bởi du lịch phát triển. 

Tajines - món thịt hầm truyền thống đầy màu sắc được nấu trong nồi đất nung hình nón.

“Thiên đường” ẩm thực

Phần lớn người dân Maroc theo đạo Hồi, vì thế, họ rất ít khi uống rượu. Những tách trà bạc hà touareg truyền thống kết hợp từ trà xanh, lá bạc hà tươi và đường là thức uống “quốc dân” và được người dân gọi là “rượu whisky Berber” - thứ “rượu” không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày. Đến Chefchaouen, du khách sẽ được tiếp bằng ba loại trà với hương vị và ý nghĩa riêng: Lần đầu nhẹ nhàng như cuộc sống, lần thứ hai là nồng nhiệt như tình yêu và lần thứ ba là đắng ngắt như cái chết. Nếu từ chối uống một trong ba loại trà này, du khách sẽ bị coi là bất lịch sự. 

Với người dân Maroc, biểu tượng của tình yêu không phải là trái tim mà là lá gan bởi nó hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy hạnh phúc. Nếu du khách nghe người Maroc nói: “Bạn đã chinh phục được lá gan của tôi”, thì đó là lời tuyên bố về tình yêu của họ. Khác với các quốc gia phát triển nổi tiếng với đồ ăn nhanh, Maroc là điểm đến điển hình của đồ ăn chậm. Các món ăn ở đây đều được tẩm ướp, chế biến công phu và mất nhiều thời gian. Một trong số đó là tajines - món thịt hầm truyền thống đầy màu sắc được nấu trong nồi đất nung hình nón. Các loại tajines phổ biến nhất là thịt gà với chanh, ô liu xanh, mận khô và kefta (thịt viên thịt cừu hoặc thịt bò xay được tẩm gia vị) kèm với trứng hòa trong nước xốt cà chua. Để thưởng thức món couscous truyền thống, du khách sẽ mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Couscous được dùng với bắp cải, cà rốt, bí xanh, hành tây, khoai tây, bí ngô... kèm với nước dùng đậm đà hương vị. 

Đến Maroc, du khách nên thưởng thức tanja - “món ăn của người độc thân”, vì xưa kia thường được nấu bởi những người đàn ông độc thân. Họ sẽ cho thịt, hành tây, chanh, tỏi, thìa là vào nồi đất nung rồi mang đến lò nướng chung của địa phương hoặc phòng tắm hammam để nấu trên than nóng trong hàng giờ đồng hồ. Một món ăn chậm khác không nên bỏ lỡ là mechoui - món ăn gồm nguyên một con cừu được tẩm ướp gia vị và nướng trong nhiều giờ bằng lò dưới lòng đất cho đến khi thịt nhừ và tan chảy trong miệng. 

Đến Maroc, du khách cần lưu ý việc ăn uống trong tháng Ramadan. Trong tháng này, hầu hết người Maroc đều nhịn ăn vào ban ngày. Họ chỉ ăn trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặn. Nhiều nhà hàng sẽ đóng cửa vào ban ngày cho đến bữa ăn tối. Vì thế, bạn cần chuẩn bị sẵn đồ ăn hoặc đợi đến tối muộn để hòa mình vào những bữa ăn ngon miệng cùng người dân tại các nhà hàng, khu chợ...

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục