Để truyện cổ níu chân du khách

- Tuyên Quang là mảnh đất “sơn kỳ, thủy tú”, giàu bản sắc văn hóa. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, đình, đền đều có sự tích gắn với địa danh đó. Bên cạnh thu hút du khách từ cảnh quan thiên nhiên, con người thân thiện thì việc khai thác yếu tố thần kỳ trong mỗi tích truyện cổ là một hướng đi hiệu quả.

Từ lâu, việc khai thác những yếu tố thần kỳ để phát triển du lịch đã trở nên quen thuộc ở nhiều nước. Tuyên Quang với 22 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, dân tộc đều có kho tàng truyện cổ tạo nên nét văn hóa riêng. Dù không phải là yếu tố chính yếu nhưng những câu chuyện, truyền thuyết này tựa như tấm áo huyền ảo, ly kỳ khoác lên các điểm du lịch, tạo ra sức hấp dẫn nhất định đối với du khách.

Thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa.

Chắc hẳn trong hành trình đến với thác Bản Ba (Chiêm Hóa) du khách sẽ rất thích thú khi vừa được trải nghiệm thiên nhiên tuyệt đẹp lại vừa được lắng nghe sự tích thác Bản Ba. Đó là câu chuyện kể về một đôi trai gái từ nơi xa đến đây sinh sống và lập ra làng Lạc Bạn. Làng mạc ngày càng trù phú và đông đúc. Hàng năm, làng có cuộc thi vượt thác Lạc Bạn để thể hiện sự dũng mãnh của trai miền sơn cước. Dòng nước chảy siết đã cuốn đi bao người, nước mắt thương xót của người dân hòa vào dòng thác nhỏ tạo thành dòng thác lớn. Tục lệ thi vượt thác từ đó không còn nữa và dòng thác lớn cứ chảy mãi, chảy mãi, lâu dần bà con đặt tên thác là Bản Ba.   

Còn khi đến với Na Hang chúng ta được lắng nghe “Sự tích đèo Cổ Yểng”, “Sự tích hoa Phặc Phiền”, Sự tích địa danh núi Ái Cao, Pù Loòng Nào, Ái Âu… Hay đến với mảnh đất Lâm Bình, người dân vẫn truyền miệng về “Sự tích thác Tin Tốc”, “Nguồn gốc nghề dệt ở Lăng Can”, “Sự tích 99 ngọn núi Thượng Lâm”... Du khách đi qua đèo Ái Âu, khó lòng quên được chuyện tình buồn giữa chàng trai vùng Thượng Lâm và cô gái Trùng Khánh, đôi bên bị ngăn cản, cách trở vì  sự giàu nghèo. Thế nhưng sức mạnh tình yêu khiến họ không rời nhau được. Hàng đêm, họ “băng rừng lội suối” để đến với nhau, họ nhận ra nhau qua tiếng gọi “ái âu”. Thế nhưng lần hẹn hò cuối cùng họ bị gia đình ngăn cản, không tìm gặp được nhau. Đôi trai gái đã mất tích trong rừng sâu. Con đèo nơi họ gặp đêm đêm vẫn văng vẳng hai tiếng “ái âu” mãi cất lên xa vời vô vọng. Về sau dân trong vùng lấy hai tiếng “ái âu” đặt tên cho con đèo.

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện được dân làng khắp các vùng kể lại. Mỗi nơi có một tích truyện tạo cho vùng đất sự kỳ bí, huyền ảo, gợi tò mò cho du khách. Thời gian qua, nhiều tác giả dày công sưu tầm các kho tàng cổ tích dân gian, với nhiều tác phẩm như: “Chiếc sừng nai”, “Truyện cổ Nà Hang” (Phù Ninh sưu tầm). Trước đó, vào năm 1978, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tuyên đã xuất bản tập truyện cổ “Sự tích một loài hoa”. Năm 2016 Thạc sỹ Bùi Mai Anh ra mắt “Tuyển tập truyện cổ tích Tuyên Quang”. Bên cạnh đó, còn nhiều truyện cổ lưu truyền trong dân gian qua trí nhớ của các già làng, người cao tuổi. Đây chính là một “sản phẩm du lịch” hấp dẫn để các địa phương khai thác đưa vào các tua tuyến du lịch. Và chính người dân bản địa sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu và thêm yêu nguồn cội, gốc tích của mỗi ngọn núi, con suối, dòng sông quê mình. 

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục