Palembang - điểm đến kỳ thú

Bất kỳ ai yêu du lịch cũng biết đến Sumatra, hòn đảo lớn nhất thuộc Indonesia. Vậy nhưng, không nhiều người biết đến Palembang, thủ phủ của tỉnh Nam Sumatra. Thành phố 1,7 triệu dân này còn là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng bậc nhất tại Indonesia.

Thánh điện Masjid Agung Palembang có lối kiến trúc tổng hợp.

Dấu vết thời gian

Palembang luôn chiếm vị thế quan trọng trong các thời kỳ lịch sử của Indonesia. Từ thế kỷ VII - XIV, thành phố này là thủ đô của đế chế Srivijaya cai trị cả một vùng rộng lớn ở phía tây Đông Nam Á. Sau khi đế chế Srivijaya sụp đổ, Palembang vẫn đóng vai trò “đầu não” trong những triều đại nối tiếp nhau. Đến thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa Hà Lan mở rộng Palembang thành thương cảng quan trọng hàng đầu. Palembang còn là nơi diễn ra nhiều trận đánh trong Thế chiến II và cuộc cách mạng Indonesia.

Để đến Palembang, du khách có thể đáp máy bay xuống sân bay Sultan Mahmud Badaruddin II, lên tàu điện đến nhà ga Stasiun Kertapati hay đi xe buýt và phà. Taxi ở Palembang vừa hiếm vừa đắt, vì thế, du khách có thể chọn đi xích lô, xe buýt hoặc xe ba gác máy. Nhiều du khách còn thuê thuyền và người lái để vừa tiện đi lại dọc sông Musi, vừa ngắm nhìn phong cảnh hai bên và giao tiếp với người dân.

Palembang phát triển dọc hai bên bờ sông Musi nên người dân thường lấy cầu Ampera làm cột mốc. Nói không ngoa, cầu Ampera là “trái tim” của Palembang. Vào thời điểm mở cửa năm 1965, Ampera là cây cầu hiện đại nhất Indonesia. Hai cột cầu đỏ chót treo đồng hồ lớn đã trở thành biểu tượng của thành phố này. Người dân địa phương và du khách thường tụ tập quanh khu vực cầu Ampera để hóng gió, ngắm cảnh, vui chơi và mua bán tại chợ Pasar 16 Ilir ở gần đó.

Điểm đặc biệt ở Nam Sumatra là có rất nhiều người nói thổ ngữ mà vùng khác không hiểu được. Họ cũng sở hữu những nét văn hóa, tín ngưỡng không đâu có. Khách nước ngoài muốn tìm hiểu về sự độc đáo của người Nam Sumatra hãy đến bảo tàng Sultan Mahmud Badarrudin II - nơi lưu giữ nhiều hiện vật từ thời tiền sử đến nay, trong đó, nổi tiếng nhất là bộ sưu tập tiền xu dưới triều Srivijaya. Đây là bằng chứng cho thấy vai trò của Palembang - một hải cảng quan trọng nối Nam Á với Đông Á.

Một công trình lịch sử quan trọng khác tại Pelembang là pháo đài Kuto Besak được xây dựng dưới thời sultan Muhammad Baharuddin I. Ông là sultan (vua) cuối cùng dám đứng lên chống lại quân xâm lược Hà Lan. Công trình tuy được kiến trúc sư người Hoa thiết kế và công nhân người Hoa xây dựng nhưng lại mang phong cách châu Âu. Dinh thự của sultan được đặt trong pháo đài. Ngày nay, Kuto Besak là trụ sở quân đội Indonesia nhưng vẫn mở cửa đón du khách ghé thăm.

Ngay cả khi không phải là tín đồ đạo Hồi, du khách cũng nên ghé qua thánh điện Masjid Agung Palembang. Kiến trúc của công trình tín ngưỡng này rất đa dạng, với mái ba tầng kiểu Java lợp gốm Malaysia, ngọn tháp kiểu Trung Quốc đứng cạnh một ngọn tháp khác kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Cho dù chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nào đi nữa, mọi ngóc ngách của Masjid Agung Palembang đều toát lên vẻ đẹp thanh thoát.

Ai đến Indonesia cũng muốn mua một tấm vải lụa songket làm kỷ niệm nhưng ít người biết rằng, Palembang mới là quê hương của loại vải này. Ở Palembang có những gia đình nghệ nhân sở hữu kinh nghiệm dệt những sợi bạc, sợi vàng vào từng thớ vải lụa tơ tằm được đúc kết qua hàng trăm năm. Nơi tốt nhất để tìm mua songket ở Palembang là chợ Pasar 16 Ilir. Ngoài vải, du khách còn có thể lựa chọn áo phông, túi xách, ví, khăn xà rông… may bằng lụa songket.

Bức tượng cá Belido khổng lồ.

Dọc sông Musi

Sông Musi là “mạch máu” của Palembang nói riêng và tỉnh Nam Sumatra nói chung. Cách tốt nhất để khám phá cuộc sống của người dân bản địa là đi dọc sông Musi. Khách du lịch có thể bắt đò du lịch từ các bến tàu ở chân cầu Ampera hay pháo đài Kuto Besak.

Điểm đến đầu tiên của nhiều du khách sẽ là hòn đảo nhỏ Kemaro, cách Ampera 6km. Kemaro còn nổi tiếng vì câu chuyện tình buồn giữa hoàng tử Trung Quốc Tan Bun An và công chúa Sumatra Siti Fatimah. Tương truyền, hoàng tử Bun An đến Sumatra để bàn chuyện giao thương rồi phải lòng công chúa Fatimah. Nhà vua thách cưới 9 chum vàng. Khi tàu chở vàng từ Trung Quốc đến nơi, hoàng tử mở lọ ra thì chỉ thấy mỗi hoa quả thối. Bun An giận dữ ném lọ xuống sông, nhưng phải đến khi có lọ vỡ mới nhận ra có vàng dưới đống hoa quả. Người Trung Quốc làm vậy để đánh lạc hướng bọn cướp biển. Vị hoàng tử vội nhảy xuống sông để vớt vàng. Ngày hôm sau, công chúa Fatimah cũng làm theo người yêu. Chỗ hai người nhảy xuống mọc lên một mảnh đất chính là đảo Kemaro.

Cứ xuôi dòng Musi, du khách sẽ cập bến làng Gandus, nơi nổi danh nhờ bộ tranh khắc gỗ Al-Qur’an Al-Akbar. Một nghệ nhân địa phương đã dành sáu năm ròng để khắc toàn bộ kinh Qur’an lên 30 tấm tranh gỗ cỡ 1,7 x 1,4 x 0,025m. Ngày nay, bộ kinh Qur’an lớn nhất thế giới được đặt tại Bảo tàng Bayt Al Qur’an Al-Akbar tại Palembang, nhưng ở Gandus vẫn còn một khu trưng bày về quá trình chạm khắc tác phẩm.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục