Xã hội hóa trồng mới cây xanh - hướng đi phù hợp

- Thành phố Tuyên Quang mang dáng dấp đặc trưng của đô thị miền núi phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi Dùm oai nghiêm, dòng Lô thơ mộng. Thế nhưng nhiều người đến với thành phố lại thấy tiếc rẻ về chuyện tiếng là thành phố của miền núi nhưng cây xanh còn ít và nhiều cây tạp như bàng, keo, sấu... trong khi những cây bản địa, những cây xanh cho bóng mát lẫn hoa đẹp chưa nhiều, chưa hấp dẫn.

Quả thật, ngay như Hồ Tân Quang được ví như trái tim xanh điều hòa không khí giữa thành phố, nơi vui chơi, thư giãn của đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng chưa được phủ xanh và cũng có nhiều cây tạp. Chưa kể về mùa đông những hàng cây phượng già cỗi, lá rụng còn trơ cành khẳng khiu trông chẳng ra dáng một “công viên cây xanh”. Ở các khu phố ngoài một số tuyến đường, khu phố mới được trồng theo chuyên đề thì vẫn là do người dân tự phát theo kiểu có gì trồng nấy, như trồng bàng, sấu, thậm chí cả các cây lấy gỗ như keo... cho bóng mát nhanh. Nhưng các loại cây này là nỗi “khiếp sợ” của công nhân vệ sinh đô thị mỗi khi đến mùa rụng quả, rụng lá, rễ nổi làm hỏng vỉa hè đi bộ.

Thời xa xưa, các khu phố ở Xuân Hòa đã có những hàng cây Long não (dã hương), cây di lăng, hay xà cừ... là những cây vừa cho bóng mát, hương thơm, thanh lọc không khí tốt. Bây giờ đâu còn sót lại vài cây di lăng cổ thụ ở khu bến phà cũ để rồi mỗi độ thu về dòng người đi qua đây đều tất thảy đều hít hà cái mùi thơm thoang thoảng, nhưng dịu ngọt đến nao lòng của loài hoa di lăng.

Mùa hè vừa rồi đã xuất hiện cây phượng, cây muồng hoàng yến nở hoa đẹp là địa điểm chụp ảnh cho chị em, giới trẻ kéo đến chụp ảnh. Thành phố cũng đã có quy hoạch trồng cây xanh cho các tuyến đường, khu phố; chủng loại cây xanh được bổ sung thêm một số loại như chò chỉ, sao đen, muồng hoàng yến... Tuy nhiên, cũng chưa thấy có được những khu phố, con đường có những hàng cây chuyên đề như phố Xuân Hòa với hàng cây long não, cây nhội, khu 80 gian với hàng cây xà cừ rợp bóng mát như xưa.

Năm nào các cấp chính quyền đều phát động phong trào trồng cây, nhưng thường tập trung rầm rộ ở các điểm trồng rừng sản xuất, chứ chưa chú trọng đến việc trồng cây ở trong các khu phố, cơ quan, gia đình. Mặc nhiên việc trồng cây ở đô thị là việc của chính quyền, của công ty quản lý đô thị. Các tổ chức chính trị - xã hội có các phong trào tuyến đường tự quản sạch, đẹp, tuyến đường hoa nhưng chưa thấy tổ chức nào có phong trào tuyến đường xanh. Nếu như mỗi hộ gia đình đều ý thức tự trồng từ một đến hai cây trước cửa nhà thì cùng với ngân sách nhà nước đầu tư chẳng mấy chốc thành phố sẽ có những hàng cây xanh đẹp.

Vấn đề ở chỗ muốn thực hiện được như vậy thì thành phố phải công khai quy hoạch, quy định các loại cây cho từng con đường, khu phố; công ty đô thị cung cấp cây giống để người dân tự trồng, chăm sóc, bảo vệ. Các phường, tổ nhân dân tăng cường xã hội hóa và phát động phong trào trồng, chăm sóc hoa cây cảnh, thay thế các loại cây xanh không phù hợp như (bàng, keo, sấu, hoa sữa...), chỉnh trang mặt tiền nhà các tuyến phố chính, bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, việc thay thế, trồng mới cây xanh bằng nguồn vốn xã hội hóa là hướng đi phù hợp, hiệu quả để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, có nhiều hàng cây chuyên đề, đặc sắc, ấn tượng, có nhiều tuyến phố văn minh, là điểm nhấn gây ấn tượng đối với du khách…

Lam Sơn

Tin cùng chuyên mục