Chú trọng nhận thức, tăng cường cảnh giác

Số vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gần đây tăng trở lại, cùng với đó có không ít người bị lừa đảo qua mạng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Do vậy, vấn đề chú trọng nâng cao nhận thức cũng như tăng cường cảnh giác để bảo đảm an toàn thông tin là điều cần thiết.

Trong tháng 11-2021, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận 1.226 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 12,17% so với tháng trước và tăng 34,14% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tháng 10-2021, đã có 1.093 cuộc tấn công mạng, tăng 1,77% so với tháng 9-2021 và tăng 42,13% so với cùng kỳ năm 2020…

Với các vụ lừa đảo trên mạng viễn thông, riêng trong tháng 11-2021 tại địa bàn Hà Nội có 2 công dân (cư trú ở quận Long Biên và huyện Đông Anh) trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn (800 triệu đồng và 300 triệu đồng). Nạn nhân của các vụ lừa đảo này đã nghe cuộc gọi giả mạo cơ quan công an thông báo có liên quan đến 1 vụ án, yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng và mật khẩu để điều tra… nên đã làm theo yêu cầu và rơi vào "bẫy"...

Về nguyên nhân gia tăng số vụ lừa đảo, tấn công mạng trong thời gian qua, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động trên môi trường mạng gia tăng, vì thế, nguy cơ mất an toàn thông tin đang hiện hữu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân. Do vậy, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

Thực tế trong thời gian qua, Cục An toàn thông tin và các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần cảnh báo, đồng thời chỉ ra các dấu hiệu nhận biết lừa đảo để nâng cao nhận thức phòng tránh. Cùng với đó, Cục An toàn thông tin cũng rà quét, giám sát trên không gian mạng để phát hiện, cảnh báo sớm các sự cố tấn công mạng, đồng thời xác định các mã độc, lỗ hổng trong hệ thống thông tin.

Theo ông Phạm Tuấn An, Phòng An toàn hệ thống thông tin (Cục An toàn thông tin), cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hiện đang thực hiện mô hình bảo đảm an toàn thông tin 4 lớp (gồm: Lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Tuy nhiên, đa số mô hình trên vẫn ở mức cơ bản, chưa bao phủ hết các hệ thống thông tin.

“Vì vậy trong năm 2021-2022, các bộ, ngành, địa phương cần chuyển mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn thông tin từ mức cơ bản lên mức nâng cao. Tức là, giám sát 100% hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; chất lượng giám sát, bảo đảm an toàn thông tin đạt tối thiểu ở mức 3/5” - ông Phạm Tuấn An nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thì phương thức lừa đảo bằng tin nhắn giả mạo các cơ quan, tổ chức không phải là hình thức mới, song vẫn dụ được nhiều người dùng mất cảnh giác. Do vậy, người dân khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi nghi ngờ giả mạo thì tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu ngân hàng, đồng thời phản ánh tới đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua Cổng thông tin điện tử phòng, chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (chongthurac.vn) để cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Người dân cũng có thể trình báo ngay tới cơ quan công an hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục