Chuyển đổi số ở vùng cao

- Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp đồng bào các dân tộc ở địa bàn vùng cao rút ngắn khoảng cách địa lý, nâng cao dân trí, tối ưu quy trình sản xuất, hàng hóa tham gia tiếp cận các thị trường lớn... Chuyển đổi số không chỉ được xem như một giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế hiện nay, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phát triển bền vững.

Công nghệ đến với mỗi người dân

Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, chị Vàng Thị Seo, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) thoăn thoắt gõ phím tìm kiếm thông tin các biện pháp chăm sóc và bảo vệ rừng. Từ ngày có chiếc điện thoại thông minh, chị Seo được mở mang rất nhiều kiến thức. Chị Seo chia sẻ: “Trước đây, những đứa con gái như mình ở bản không được học chữ đâu. Mình học được chữ là nhờ cái điện thoại này đấy. Vì thấy bảo nó có nhiều cái hay nên mình cũng mua một cái rồi nhờ đứa biết chữ dạy cho cách bấm phím thành chữ. Ở cái điện thoại này có rất nhiều cái mình chưa biết nên mình đã học hỏi từ nó nhiều. Từ cách chăm sóc lúa, cách trồng cây ăn quả, cách nuôi dạy con cho tốt. Mình còn học ở cái điện thoại nhiều thứ lắm”.

Cứ đến vụ, vườn dâu tây của chị Giàng Thị Sao, Bản Luộc, thị trấn Na Hang là điểm thu hút khách du lịch, cộng đồng mạng xã hội quan tâm. Khi mới đầu tư trồng vườn dâu tây, nhiều người nghĩ rằng việc này khó thành bởi giá dâu tây thì đắt, thu nhập của người dân chưa cao, liệu bán cho ai. Nhưng chị Sao lại nghĩ khác, bởi hầu hết sản lượng dâu tây đều được chị bán qua mạng. Dâu tây chín tới đâu bán hết đến đấy. Chị Sao chia sẻ: “Nhờ có mạng xã hội nên mình rất tự tin trong việc bán sản phẩm do vậy mới quyết định đầu tư”.

Bà con thôn Lâm Tiến, xã Minh Dân (Hàm Yên) tích cực quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa Tày trên mạng xã hội.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) Hoàng Văn Minh đồng thời cũng là tổ trưởng tổ công nghệ số của thôn cho biết, không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà chỉ cần đăng tải thông tin trên các trang Facebook và Zalo. Các thông tin của anh đưa lên được nhiều người theo dõi và chia sẻ, từ đó thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời, đặc biệt là các nội dung về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch, lịch tiêm vắc - xin phòng Covid-19 vừa qua rất hiệu quả. Các thành viên trên Zalo còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Những năm gần đây, Nà Tông mở mang dịch vụ du lịch homestay, để đáp ứng nhu cầu thông tin cho du khách, các hộ trong thôn thành lập Fanpage, nhóm Facebook, Zalo để quảng bá, giao lưu trực tuyến, tương tác, chia sẻ thông tin những sản phẩm du lịch của gia đình và địa phương với khách du lịch, đồng thời phân công bố trí các hộ tham gia phục vụ du khách. Cách làm này đã giúp các hộ gia đình kết nối chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ nhất, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng như mong muốn.

Thu hẹp khoảng cách địa lý

Đối với địa bàn vùng cao, khoảng cách địa lý là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Đây còn là cánh cửa hoàn hảo hướng tới những tri thức hội nhập của bà con vùng cao. Trước đây, bà con ở những xã vùng cao như: Thượng Giáp, Sinh Long (Na Hang) nhiều mặt hàng phải về đến thị trấn Na Hang mới có thì nay có thể ngồi nhà đặt hàng qua mạng, shipper đưa đến tận nhà. Nhiều sản phẩm nông sản của bà con nông dân cũng không cần phải mang ra chợ bày bán mà chỉ cần rao bán trên Facebook tiếp cận được khách hàng khắp cả nước.

Chị Lèng Thị Nguyệt, thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Từ ngày thành lập trang Fanpage chuyên bán các sản phẩm thủy sản tự nhiên, hàng ngày vợ chồng chị không phải mang cá ra chợ bán mà chủ yếu bán hàng trên mạng. Để nâng cao giá trị sản phẩm cá đánh bắt, chị Nguyệt còn thuê người chế biến, sấy khô, đóng gói, sản phẩm làm đến đâu bán hết đến đấy. Chị Nguyệt cho biết khách hàng của chị chủ yếu là thị trường Hà Nội, nhiều người đã sử dụng sản phẩm trở thành khách hàng thân thuộc. Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” để nông nghiệp địa bàn vùng cao tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển một cách bền vững; giúp cho những sản vật đặc sản vùng cao đến được với những thị trường lớn giúp các xã vùng cao phát triển kinh tế.

Sản phẩm lườn cá mương phơi nắng Lâm Bình quảng bá trên mạng xã hội được người tiêu dùng lựa chọn.

Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong việc quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao. Những năm gần đây những xã vùng cao của tỉnh thu hút được nhiều khách du lịch, trong đó mạng xã hội đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá, giới thiệu phong cảnh, cảnh đẹp của quê hương, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc. Các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay đều có trang Fanpage kết nối liên thông với các trang Website về du lịch. Chị Hoàng Thị Yến, homestay Hoàng Tuấn (Thượng Lâm) cho biết, khách du lịch có thể xem, trực tiếp đặt phòng, dịch vụ trực tuyến trên mạng với các hộ thông qua trang Facebook rất tiện lợi.

Ngày 15/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện nghị quyết này, các huyện vùng cao đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện, thành lập Tổ giúp việc triển khai các nhiệm vụ tại địa phương. Các huyện cũng tiến hành thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch, lên danh mục các nội dung cụ thể cho nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới. Mục tiêu tối ưu hóa hệ thống thông tin tại UBND xã; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để kết nối thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ các thiết bị giúp người dân truy cập internet như sử dụng máy tính, điện thoại thông minh...

Trước mắt, huyện sẽ ưu tiên chuyển đổi số trên 2 lĩnh vực chính là giáo dục và nông nghiệp. Hiện nay, huyện đã thành lập và kiện toàn các tổ công nghệ số. Các tổ này được lựa chọn các thành viên từ Tổ Covid-19 cộng đồng và Tổ dữ liệu dân cư quốc gia đã được thành lập trước đây. Thành viên các tổ là cán bộ thôn, tổ dân phố, bí thư đoàn thanh niên. Tổ công nghệ số sẽ phối hợp với đoàn thanh niên hướng dẫn nhân dân sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, điện thoại thông minh truy cập dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, sử dụng các mạng xã hội trong việc trao đổi thông tin...

Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao đạt hiệu quả, theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Na Hang, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục