Đột phá từ chuyển đổi số

- Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó nêu rõ, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. Với mục tiêu ấy, Tuyên Quang cũng đang nỗ lực tìm sự đột phá trên chặng đường chung phấn đấu vì chuyển đổi số.

Đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số

Những năm gần đây, hạ tầng công nghệ thông tin trong tỉnh được quan tâm đầu tư song song với phát triển về nguồn nhân lực. 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN). Tỉnh tiếp tục sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước để đảm bảo hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hoạt động thông suốt 24/24h phục vụ cho các phần mềm dùng chung, các hệ thống của tỉnh như: Hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin đối ngoại. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện/thành phố đã có cổng, trang thông tin điện tử.

Tỉnh đã hoàn thành nội dung xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) thuộc Dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ đó việc kết nối, liên thông, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương được thông suốt, từng bước đồng bộ.

Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai, ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương triển khai. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức của tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử chính thức đạt tỷ lệ 98%. Tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đạt 100%, tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt 100%. Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp 1.602 chứng thư số cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân tới 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó có 425 chứng thư số tập thể và 972 chứng thư số cho các cá nhân, 205 sim ký số cá nhân. Chữ ký số chuyên dùng đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành tại các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ Bưu điện tỉnh kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ dịch vụ bưu chính công ích của khách hàng.
 

UBND tỉnh đã đầu tư hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với 28 điểm cầu đặt tại Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, 18 sở, ban, ngành và 7 UBND các huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 87 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến, trong đó cấp tỉnh có 21 điểm cầu, cấp huyện có 10 điểm cầu, cấp xã có 56 điểm cầu.

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tính đến thời điểm hiện nay, 100% TTHC toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công - Một cửa điện tử của tỉnh với 2.068 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 1.331 dịch vụ công mức độ 1, 2; 683 dịch vụ công mức độ 3; 54 dịch vụ công mức độ 4

UBND tỉnh cũng đã thực hiện ký thỏa thuận hợp tác về triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích với Tổng Công ty Bưu điện và giao cho Bưu điện tỉnh thực hiện ký thỏa thuận hợp tác với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố. Người dân thay vì đến cơ quan hành chính giải quyết TTHC có thể đến các bưu điện gần nhất để gửi hồ sơ đăng ký giải quyết TTHC.

Định hướng cho tương lai

Trên nền tảng những nỗ lực đã có để chuyển đổi số, tỉnh xác định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về môi trường chính sách, tài chính, công nghệ, hoàn thành quy hoạch hạ tầng thông tin, gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao khả năng khai thác, ứng dụng và phát triển CNTT...

Bên cạnh đó  tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, phấn đấu xây dựng một nền hành chính điện tử hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Qua đó, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả ở tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ngày 20-5-2020, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND thực hiện nội dung đột phá “Tuyên Quang chung tay nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính” năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất qua đó tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kế hoạch đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025: Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 90% trở lên; phấn đấu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đạt từ 50% số TTHC trở lên.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu dùng chung, các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh; kết nối với hệ thống kết nối quốc gia tạo thuận lợi cho các cơ quan khai thác dữ liệu giải quyết công việc. Tăng cường gửi/nhận văn bản điện tử liên thông qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố với UBND tỉnh và các cơ quan Trung ương.  Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo sát sao việc duy trì và khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống Một cửa điện tử tích hợp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hệ thống trang, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống các phần mềm dùng chung đã được triển khai. Bên cạnh đó tiếp tục duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước.

Những định hướng rõ ràng trong tương lai là cơ sở để phát triển những nền tảng cần thiết để đưa Tuyên Quang chuyển đổi số thành công, hòa nhập với xu thế chung của cả nước.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục