Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh

- Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã khẳng định vai trò to lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều lĩnh vực của tỉnh. Những thành tựu KH&CN đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Những đóng góp của KH & CN tỉnh nhà

Ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam ngày nay). Trong bài phát biểu của mình, Người đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KH&KT ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức KH&KT Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ KH&KT của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết KH&KT của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”.

Trải qua 58 năm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà. Ngày 18-6-2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, thống nhất chọn ngày 18-5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.

Học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh Tuyên Quang không ngừng lớn mạnh, có mặt trong các ngành, các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  của tỉnh. Với đặc thù của tỉnh miền núi, trong thời gian qua, công tác khoa học công nghệ luôn được lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Bộ KH&CN quan tâm chỉ đạo. Ngày 12-12-1959, Ủy ban hành chính tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 2185/KT-VX-TC thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang, đến ngày 28-9-1965 đổi  tên thành Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang (tiền thân của Sở KH&CN Tuyên Quang).

Cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các đề tài, dự án KH&CN đã tập trung vào nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc sản, có lợi thế của tỉnh. Các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều sản phẩm của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh có ưu thế về chất lượng, hiệu quả kinh tế đã và đang được  xây dựng và phát triển, như: Giấy  An Hòa,  đồ gỗ chế biến,  cam sành Hàm Yên, chè đặc sản chất lượng cao, bưởi đường Xuân Vân, vịt bầu Minh Hương, rượu ngô Na Hang...

Lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chủ động giống tốt trong sản xuất tại địa phương. Đã tập trung nghiên cứu, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực (cây cam, chè, mía, lạc, bưởi, cây lâm nghiệp; con trâu, cá đặc sản, lợn); nghiên cứu cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công một số loài cá đặc sản như lăng chấm, chiên, bỗng, anh vũ; nghiên cứu trồng rừng nguyên liệu bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới có năng suất, chất lượng cao để  rải vụ...

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần tổng kết, đánh giá thực tiễn nhằm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học, từ đó giúp hoạch định, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Khoa học y dược đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, thanh tra được tăng cường; công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đi vào nền nếp. Đã thành lập được Quỹ phát triển KH&CN tỉnh. Cơ chế, chính sách về KH&CN đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường...

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Phát huy thành quả đã đạt được trong hoạt động KH&CN, góp phần  đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN  của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao  KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhất là công nghệ cao, cơ giới hóa vùng chuyên canh, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển  sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Xây dựng cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực cho phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN. Ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện các đề tài, dự án  KH&CN cấp Nhà nước, cấp tỉnh có hiệu quả, thiết thực, có khả năng nhân rộng, trong đó ưu tiên nguồn lực để tập trung vào thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc sản trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5 sản phẩm chủ lực, đặc sản được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Ngành tham mưu với tỉnh xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn sự nghiệp khoa học để triển khai các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sở KH&CN tham mưu, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm soát, thẩm tra, thẩm định để ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, nguy hại đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường chuyển giao vào tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành theo quy định, đẩy mạnh hướng dẫn hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện, cấp cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử trong việc cung cấp dịch vụ công, quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.

                                                                                                                                      Thạc sỹ Nguyễn Đại Thành
                                                                                                                              (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)

Tin cùng chuyên mục