Samsung đa dạng hóa nguồn cung vật liệu bán dẫn để ứng phó khó khăn toàn cầu

Samsung Electronics đang tích cực mở rộng mạng lưới cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất chip bán dẫn, trong đó bao gồm các khoản đầu tư vào 9 doanh nghiệp Hàn Quốc khác nhằm tự thân ứng phó trước những khó khăn toàn cầu.

Korea Times dẫn báo cáo của Samsung và Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho biết, hãng điện tử này đã đầu tư khoảng 238 triệu USD nhằm sở hữu một lượng cổ phiếu nhất định (dưới 10%) của 9 công ty quy mô tầm trung từ mùa hè năm 2020 tới nay. Đây là mức đầu tư lớn hơn nhiều so với những khoản đầu tư trong giai đoạn trước tháng 7-2020.

Cả 9 công ty nói trên đều có thế mạnh trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng điểm chung là có thể tận dụng nguồn đầu tư mới để xúc tiến các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Trong đó, Soulbrain là nhà cung ứng axít flohydric - một hóa chất quan trọng phục vụ sản xuất chip, đã nhận được 24,9 tỷ won; KCTech - nhà phát triển các hệ thống đánh bóng wafer (tấm bán dẫn khổ lớn) nhận được 20,7 tỷ yên; Fine Semitech - có sở trường vật liệu phủ bề mặt in bán dẫn - nhận được 43 tỷ won; DNF - công ty chuyên về vật liệu khắc - nhận được 21 tỷ won...

Theo giới chuyên môn, những khoản đầu tư khổng lồ nói trên xuất hiện hết sức hợp lý. Trước hết, Samsung vẫn cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua trở thành công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, nhưng chiến lược lâu nay chủ yếu dựa nhiều vào phát kiến công nghệ từ Mỹ, Nhật Bản kết hợp với hệ thống sản xuất phần lớn nằm tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, dịch Covid-19 và những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước có thể khiến những mắt xích này đứt gãy, dẫn tới nguy cơ lớn.

Thêm vào đó, dù các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng Hàn Quốc đã vượt qua đối thủ Nhật Bản trên thị trường toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực chip nhớ và màn hình tinh thể lỏng (LCD), nhưng nguồn cung ứng vật tư phục vụ sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào nước ngoài, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp Nhật Bản. 

Lý do cuối cùng để Samsung cải thiện nguồn cung bán dẫn nằm ở nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng của hãng, đặc biệt đối với điện thoại thông minh gập như Galaxy Z Fold3 hay Z Flip3 - vốn được cho là đang đứng trước thời cơ “vàng” đánh bại iPhone. Thực tế, để phục vụ hoạt động sản xuất các dòng máy này, Samsung cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng nhà máy lắp ráp tại tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục