Trào lưu xe điện đang thay đổi ngoại hình và kết cấu ô tô truyền thống

So với ô tô truyền thống có kiểu dáng và kết cấu duy trì hầu như nguyên vẹn suốt cả trăm năm qua, xe điện dù có ngoại hình tương tự nhưng thực tế lại ngày càng khác biệt bên trong.

Những thiết kế ô tô chạy điện ban đầu thường là kết quả của việc cố gắng tạo ra sự khác biệt so với xe chạy xăng hoặc dầu nhằm “cho cả thế giới thấy mình là một sản phẩm xanh”.

Tuy nhiên, điều này vô tình dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm kỳ quặc, thậm chí xấu xí. Vài năm gần đây, hầu hết các nhà sản xuất đã rời lối đi này, tái định hướng thiết kế nhằm loại bỏ bớt những đường nét khác biệt gượng gạo, đem tới những cỗ máy hài hòa và vừa mắt thị hiếu.

Không tự nhiên xe điện phải khác biệt. Thay vì khối động cơ chiếm dụng phần khoang trước bên dưới nắp ca pô và bình xăng trám toàn bộ không gian bên dưới phía sau, pin có hình dáng linh hoạt và mô tơ điện nhỏ gọn đã giải phóng hoàn toàn các nhà thiết kế ô tô khỏi những “mỏ neo” cố hữu. Việc ống xả, các thành phần truyền động trung gian… đều bị loại bỏ cũng mở rộng các khoảng trống bên dưới lớp vỏ xe, mở ra cơ hội bổ sung tiện nghi, tiện ích.

Như thế, tư duy tỷ lệ giữa kích thước cũng thay đổi theo, một mẫu xe cỡ C (như Honda Civic, Toyota Altis) hoàn toàn có thể sở hữu không gian nội thất rộng ngang ngửa xe cỡ D (như Honda Accord, Toyota Camry…).

Thực tế, có những thay đổi ngay lúc này người dùng đã có thể cảm nhận được. Ví dụ như sự hiện diện của khoang chứa đồ rộng rãi ở phía trước, hay không gian nội thất được mở rộng, đặc biệt là ở các hàng ghế sau và cốp đựng đồ.

Việc không còn động cơ đốt trong cũng đồng nghĩa xe không còn cần nạp khí từ phía trước, khiến lưới ca lăng - dấu ấn đặc trưng của ô tô - trở nên thừa thãi. Thực tế, toàn bộ ô tô điện hiện nay chỉ duy trì chi tiết ngoại thất này phục vụ trang trí, và thường bịt kín để cải thiện khí động học, giúp tiết kiệm pin. 

Tiết kiệm lượng điện tiêu thụ cũng là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện quãng đường đi được mỗi lần sạc, trong bối cảnh công nghệ pin hiện nay còn hạn chế. Đây cũng là lý do SUV điện cỡ lớn chưa phải thiết kế chủ đạo của xe điện. Những mẫu ô tô điện phổ biến ở giai đoạn này đều là sedan hoặc crossover cỡ nhỏ - vốn ưu việt hơn về khí động học và trọng lượng.

Bên trong, màn hình và cơ chế điều khiển tiện nghi bằng giọng nói chi phối thiết kế xe điện. Hầu hết các thành phần giúp giám sát và điều khiển động cơ đốt trong như đồng hồ tua máy, nhiệt độ nước làm mát… đều biến mất. Nhu cầu cầm lái cũng ngày càng ít quan trọng hơn, khi cơ chế tự hành đã và đang có những bước phát triển thần tốc.

Vì thế, vô lăng từ chỗ là thành phần thiết yếu để điều khiển xe, nay dần bị thu nhỏ, thậm chí cho phép gập lại… để không chỉ tạo thuận tiện cho người dùng theo dõi nội dung trên các màn hình kỹ thuật số cỡ lớn, mà còn có thể “cất đi” khi các tính năng tự hành được kích hoạt.

Các cụm nút bấm phức tạp cũng sẽ bị loại bỏ, nhường chỗ cho ra lệnh bằng giọng nói và các cơ chế điều khiển cảm ứng. Nói cách khác, khoang lái từ chỗ là không gian điều khiển phương tiện sẽ chuyển sang không gian trải nghiệm, hưởng thụ. Vì điều này, các nhà sản xuất sẽ tìm cách tạo ra bản sắc riêng qua giao diện ứng dụng, trợ lý ảo, các tiện ích… thay vì vật liệu nội thất hay các đường uốn lượn trên táp lô như lâu nay.

Dĩ nhiên, sự biến đổi phong phú của thiết kế ô tô điện nêu trên sẽ đặt ra những thách thức về an toàn và các quy chuẩn có liên quan. Những tiêu chuẩn kết cấu an toàn trong ô tô truyền thống vốn được kiểm chứng suốt nhiều thập kỷ qua giờ đây hầu như bị phá vỡ trong các thiết kế xe điện tiên tiến. Thực tế này cũng đồng nghĩa rằng các quy định, chuẩn mực thiết kế cần có “bộ khung” mới phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.

Nhìn chung, thiết kế của những chiếc ô tô chạy điện không thuần túy là bước tiến từ những dòng xe chạy xăng, dầu truyền thống, mà là cuộc cách mạng thực sự.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục