“Trợ thủ” đắc lực phòng, chống Covid-19

Cùng với xét nghiệm chủ động và vắc xin, công nghệ -đặc biệt là công nghệ thông tin, chính là một trong ba mũi nhọn của chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn mới. Thời gian qua, đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển, đóng vai trò là “trợ thủ” đắc lực, giúp nhà quản lý và người dân chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đóng góp tích cực của trí tuệ nhân tạo

Theo Tiến sĩ Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Got It, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đóng góp tích cực vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn cầu. Cụ thể, AI đã giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động, đáp ứng tình hình mới trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; xây dựng mô hình dự báo tốc độ lây lan của dịch bệnh; tham gia hỗ trợ các nhà khoa học phân tích thông tin để nghiên cứu về dịch bệnh... Ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, AI vẫn đóng góp tích cực vào việc tái thiết lập cuộc sống, phục hồi kinh tế.

Ở Việt Nam, AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tại các tuyến biên giới, việc ứng dụng AI Camera vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép được xem là giải pháp hữu hiệu. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết, AI Camera có thể chạy 24/7 và phát đi cảnh báo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện người nhập cảnh trái phép. Điều này không chỉ giúp kiểm soát người nhập cảnh hiệu quả, mà còn tối ưu về con người, giảm rủi ro cho đội ngũ canh gác. Ngoài ra, AI Camera giúp theo dõi hoạt động giãn cách ở những nơi công cộng hoặc trong các khu cách ly. Đội ngũ y tế không thể theo dõi sát sao từng nhóm người mọi lúc, mọi nơi, nhưng AI Camera có thể phát hiện được người có thân nhiệt cao, không đeo khẩu trang, không bảo đảm giãn cách đúng quy định...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) Bùi Thế Duy đánh giá, AI giúp giảm gánh nặng công việc cho đội ngũ y tế, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa… Công nghệ chuyển hình ảnh thành chữ viết với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ, đưa lên hệ thống đang phát huy sức mạnh trong việc phòng, chống dịch hiệu quả. Tại các khu cách ly, bệnh viện, AI đã hiện hữu với người máy (robot) giúp khử khuẩn, vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải… phục vụ người bệnh và có thể hỗ trợ công tác thăm, khám bệnh nhân. “Từ dữ liệu có được, AI có thể phân tích, đưa ra các dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian, giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Về hướng phát triển AI, ông Nguyễn Tử Quảng thông tin, Bkav đang phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phát triển mô hình xét nghiệm mới, cho phép AI đọc được các tần số hấp thụ, phát hiện bất thường trong mẫu nước muối súc miệng của người dân. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, phương pháp này (nếu thành công) sẽ giúp hệ thống phòng, chống dịch của Việt Nam thay đổi tích cực, do có chi phí rẻ hơn, chủ động hơn. Đến nay, những kết quả ban đầu do AI trả về cho kết quả phân tích với tỷ lệ chính xác đến 90%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất người lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp bắt buộc sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) trong thực hiện khai báo y tế; cài và bật ứng dụng khi đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người. Các địa điểm công cộng, cơ quan công sở thực hiện kiểm soát người ra - vào bằng công nghệ quét mã QR. Việc sử dụng Bluezone khi đến những nơi công cộng, khi tiếp xúc đông người không chỉ giúp bản thân và cộng đồng, mà còn hỗ trợ thực hiện khoanh vùng, dập dịch, truy vết bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng, hiệu quả.

Bộ cũng đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm sẽ là đầu mối điều phối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để phòng, chống dịch; phát triển hoặc nhận chuyển giao những giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch; quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, khai báo di chuyển nội địa, kiểm soát ra - vào các điểm kiểm dịch Covid-19...

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống và điều trị Covid-19 sẽ giúp Việt Nam sớm khống chế dịch bệnh, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục