Từng bước hoàn thiện nền tảng địa chỉ số quốc gia

Trong xã hội số, phát triển nền tảng địa chỉ số kết hợp với nền tảng bản đồ số sẽ tạo ra một hệ sinh thái mở cung cấp các tiện ích, dịch vụ… nhằm chia sẻ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính-viễn thông là một trong những then chốt để từng bước hoàn thiện nền tảng địa chỉ số quốc gia.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các hộ gia đình có địa chỉ số; phấn đấu 100% số hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu; phấn đấu 100% các sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử do các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả các điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về triển khai thử nghiệm nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số ở một số quận, huyện: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thạch Thất và Ðông Anh.

Sẽ có các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn thử nghiệm: Thu thập, cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia; triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số trong các lĩnh vực: Bưu chính, du lịch, phòng cháy, chữa cháy; thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, sẽ đánh giá và đề xuất triển khai rộng hơn trên địa bàn. Mặt khác, thành phố sẽ chú trọng tăng cường phát triển hạ tầng viễn thông. Phát triển mạng di động 5G và băng rộng cố định là nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội số. Hoàn thiện hạ tầng mạng diện rộng đáp ứng nhu cầu phát triển chính quyền số. Hoàn thành công tác hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, đường dây điện lực trung, hạ áp tại một số tuyến, phố trên địa bàn. Ðầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng để hạ ngầm đồng bộ các đường dây, cáp viễn thông, đường dây điện lực trung, hạ áp trên tuyến tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới và tại các tuyến đường vành đai, các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo nâng cấp.

Ông Ðặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Triển khai mã địa chỉ bưu chính Vpostcode gắn với bản đồ số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hình thành cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh, phục vụ người dân và hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trên địa bàn sẽ có cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư riêng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển và khai thác hạ tầng bưu chính, viễn thông. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông chủ động tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm nâng cao năng suất lao động, phù hợp xu hướng hội nhập. Bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính-viễn thông nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Luôn luôn có cơ chế ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành, chia sẻ và sử dụng chung hạ tầng. Bảo đảm phát triển thị trường bưu chính theo hướng công bằng, ổn định. Cung cấp chất lượng các dịch vụ bưu chính công ích tới mọi người dân, mở rộng hệ sinh thái, không gian hoạt động mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thực hiện chuyển đổi số bưu chính, từ hạ tầng đến nâng cao năng lực quản lý về bưu chính sẽ từng bước hoàn thiện nền tảng địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Từ đó, sẽ hình thành cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở phục vụ xã hội số.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục