Vượt mặt Windows, hệ điều hành Linux đã được sử dụng… trên sao Hỏa

Trong khi Windows là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất trên trái đất, hệ điều hành Linux đã có mặt trên… sao Hỏa.

Trong bài trả lời phỏng vấn với trang tin của Hội Kỹ sư điện và Điện tử (IEEE), kỹ sư phần mềm của NASA Tim Canham đã có một tiết lộ thú vị, khi cho biết thiết bị bay không người lái có tên gọi Ingenuity được NASA mang lên sao Hỏa sử dụng hệ điều hành Linux.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi mang một thiết bị sử dụng Linux lên sao Hỏa", Tim Canham tiết lộ, đồng thời cho biết NASA đã phát triển hệ điều hành sử dụng trên Ingenuity dựa trên mã nguồn mở của Linux từ cách đây vài năm.

Ingenuity là máy bay không người lái trong hình dạng một chiếc máy bay trực thăng, chỉ nặng khoảng 2kg, thuộc dự án khám phá sao Hỏa Mars 2020.

Mars 2020 là nhiệm vụ thăm dò sao Hỏa mới nhất của NASA, sử dụng một robot tự hành (có tên gọi Perseverance) để nghiên cứu bề mặt sao Hỏa, nghiên cứu các quá trình địa chất, đánh giá khả năng sinh sống được trong quá khứ trên sao Hỏa…

Đặc biệt, ngoài xe tự hành Perseverance, NASA cũng đã triển khai robot bay Ingenuity trong nhiệm vụ thăm dò này. Đây là thiết bị bay đầu tiên được NASA phóng lên sao Hỏa nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động của một vật thể bay trong môi trường sao Hỏa, vốn có trọng lực và bầu khí quyển khác biệt so với trái đất. Những thông tin thu thập được từ Ingenuity sẽ được NASA sử dụng để phát triển những thiết bị bay không người lái tốt hơn cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa trong tương lai.

Tên lửa đẩy để đưa robot Perseverance và Inguinity được phóng lên từ trái đất vào ngày 30/7/2020, nhưng 2 robot này chỉ mới chính thức đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa vào ngày 18/2 vừa qua.

Các xe tự hành khám phá sao Hỏa trước đây đều sử dụng một hệ điều hành riêng biệt có tên gọi VxWorks, được NASA thuê hãng phần mềm Wind River Systems viết. Ingenuity là thiết bị tự động đầu tiên được mang lên sao Hỏa không sử dụng VxWorks, mà sử dụng một hệ điều hành riêng được xây dựng từ Linux.

Tim Canham đã tiết lộ lý do cho sự thay đổi này. Theo đó, NASA đã phải cân nhắc lựa chọn một loại chip xử lý đủ mạnh, nhưng cũng đủ nhỏ gọn để tích hợp lên Ingenuity. Cuối cùng, chip Snapdragon 801 của Qualcomm đã được lựa chọn vì đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Đây là thế hệ chip dành cho smartphone, từng được Qualcomm ra mắt vào năm 2014, tuy nhiên, loại chip này lại không hỗ trợ hệ điều hành VxWorks, do vậy, không còn cách nào khác NASA đã phải xây dựng lại một hệ điều hành dành riêng cho Ingenuity dựa trên mã nguồn mở của Linux.

NASA lên kế hoạch để Ingenuity có thể thực hiện 5 chuyến bay với các mức độ phức tạp khác nhau. Robot này dự kiến sẽ bay ở độ cao từ 3 đến 5m, bay xa khoảng 50m và quay trở về vị trí ban đầu. Robot này sẽ tự vận hành hoàn toàn, thay vì có sự điều khiển hay can thiệp từ xa của con người.

Perseverance là robot tự hành thứ 5 được NASA phóng lên để khám phá sao Hỏa. Ngoài Perseverance, hiện còn một robot khám phá sao Hỏa khác của NASA đang còn hoạt động là Curiosity, được phóng lên từ trái đất vào ngày 26/11/2011 và đổ bộ lên sao Hỏa vào ngày 6/8/2012.

Theo dantri

Tin cùng chuyên mục