''Biểu tượng xe sang'' Mercedes-Benz S-Class không còn sản xuất tại Việt Nam

Thế hệ mới của S-Class, ra mắt thị trường trong nước vào tối 25-11, cũng đồng thời đánh dấu việc chiếc sedan hạng sang của Mercedes-Benz không còn lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam.

Theo Mercedes-Benz Việt Nam, S-Class thế hệ mới hiện chỉ có hai phiên bản, đều có trục cơ sở kéo dài là: S450 và S450 Luxury. Bên cạnh sự lột xác cả về nội và ngoại thất, S-Class hoàn toàn mới có những điểm nhấn như: Động cơ 6 xy lanh thế hệ mới với hệ thống hybrid điện hóa mà Mercedes-Benz gọi là EQ Boost; cụm đèn pha MULTIBEAM; hệ thống hỗ trợ lái Driving Assistance Package; túi khí sau lưng ghế trước dành cho người ngồi sau….

Tuy nhiên, đằng sau những thay đổi giá trị hơn cả chính là trợ lý ảo thuộc gói thông tin giải trí trung tâm MBUX. Trên phiên bản S450 Luxury, gói này có thêm hệ thống điều khiển bằng cử chỉ, song song cơ chế giao tiếp bằng giọng nói (chưa hỗ trợ tiếng Việt). Mẫu cao cấp của S-Class mới này cũng được trang bị hệ thống hỗ trợ chuyển hướng bằng bánh sau - tính năng cao cấp tương tự như trên Porsche Panamera và BMW X7.

Một khác biệt lớn của S-Class ra mắt trong lần này là việc cả hai biến thể đều được nhập khẩu trực tiếp từ Đức, thay vì lắp ráp tại nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh - vốn là nơi duy nhất ngoài Đức có thể xuất xưởng chiếc xe với những chuẩn mực khắt khe này.

Thay đổi lần này đã góp phần khiến giá xe mới trội lên đáng kể. Thế hệ S-Class đang bán ra tại Việt Nam (ra mắt vào năm 2018) có giá của bản S450 chỉ 4,2 tỷ đồng, bản S450 Luxury là 4,9 tỷ đồng. Trong khi đó, S450 thế hệ mới khởi điểm 5,199 tỷ đồng, còn giá của S450 Luxury mới là từ 5,749 tỷ đồng.

Lý giải thực tế trên, đại diện của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính là nhà máy trong nước chưa được nâng cấp dây chuyền để xử lý, lắp ráp hệ thống khung gầm của xe mới. Được cấu thành hoàn toàn từ nhôm, khung gầm cải tiến có trọng lượng nhẹ hơn đáng kể so với trước đây, nhưng đòi hỏi nhiều thay đổi trong việc sản xuất. Trong khi đó, sau nhiều thập kỷ hoạt động, nhà máy tại quận Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh) của hãng xe Đức cũng đang đứng giữa “ngã ba đường” trong định hướng vận hành.

Bên cạnh giá niêm yết tăng vọt, việc chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc còn khiến S-Class mới mất đi một số lợi thế cạnh tranh. Trước hết, đó là những ưu đãi về thuế, phí dành cho xe lắp ráp trong nước - một trong những yếu tố quan trọng giúp mẫu xe này dễ dàng chinh phục khách hàng hơn so với các đối thủ cùng phân khúc tại Việt Nam nhiều năm qua.

Lệ thuộc dây chuyền ở châu Âu xa xôi cũng sẽ khiến chu kỳ nâng cấp tính năng trên S-Class mới bị kéo dài hơn. Bản thân Mercedes-Benz Việt Nam cũng bị hạn chế hơn đáng kể trong việc tùy chỉnh linh hoạt cấu hình và linh kiện xe để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như sức ép cạnh tranh từ phía đối thủ - hai yếu tố luôn biến đổi hết sức nhanh chóng. Cùng với đó, nguồn cung phụ tùng thay thế phục vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa đã trở thành dấu hỏi lớn.

Nhìn chung, việc mất đi hàng loạt lợi thế cạnh tranh chắc chắn sẽ khiến S-Class 2021 vấp phải nhiều rào cản trong nỗ lực cạnh tranh. Tuy nhiên, với hàng loạt “món mới” đầy hấp dẫn, mẫu xe luôn được coi là gương mặt đại diện của phương tiện đi lại sang trọng này chắc chắn sẽ vẫn là đối thủ đáng gờm của BMW Series 7, Audi A8 hay thậm chí cả Porsche Panamera.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục