Công nghiệp ô tô chưa như kỳ vọng

Công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Những năm qua, ngành sản xuất ô tô Việt Nam đã có những “bước chuyển mình” nhưng chưa thực sự như kỳ vọng. Để sự phát triển của ngành công nghiệp này là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển thì cần thêm nhiều giải pháp.

Tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi hình thành đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có bước tiến dài. Đáng kể là xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng có tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đáp ứng đối với thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%). Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đã gia tăng liên tục, đến nay có khoảng 260 doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh, về tổng thể, sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên, vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn và đặc biệt giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại Công ty Honda Việt Nam.

Mặc dù đã có sự gia tăng trong thời gian qua, song doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Cụ thể, trong khi Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, thì Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3, còn Việt Nam chỉ có chưa đến 150 nhà cung cấp. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30-40% vào năm 2020, 40-45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong đó, Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (theo thông tin từ phía doanh nghiệp). Tỷ lệ nội địa hóa cũng thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan, Indonesia và Malaysia...

Đề ra nhiều giải pháp để phát triển

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp làm ô tô “Made in Việt Nam” là khả năng cạnh tranh. Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, lý do khiến các doanh nghiệp khó phát triển là sản lượng xe trong nước thấp, không thể thu hút các nhà đầu tư vì không mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho công nghiệp ô tô chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất ô tô du lịch tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước Đông Nam Á, trung bình khoảng 20%, khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu, đặc biệt là từ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 có thể tăng lên khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 vào khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Đây là những con số cực kỳ hấp dẫn, khiến thị trường Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều hãng xe trên thế giới. Trước cơ hội và thách thức, ông Lê Anh Tú, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương) đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô bằng các chính sách về thuế đối với doanh nghiệp có công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn. Cùng với đó là chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn quốc tế và ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông. Khi thị trường tăng trưởng nhanh, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư bài bản, quy mô lớn.

Hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục duy trì Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô và Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên, vật liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng ưu đãi cho ô tô kèm theo điều kiện doanh nghiệp nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Cùng với đó, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm thúc đẩy phát triển xanh, mà một trong những điểm nhấn là khuyến khích sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Hiện tại, Bộ đang nghiên cứu để đề xuất chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục