Nhiều mẫu ô tô buộc phải ngừng nhận đặt cọc hoặc trả cọc vì thiếu nguồn cung

Thời gian gần đây, bất ổn nguồn cung khiến nhiều đại lý ô tô tại Việt Nam buộc phải từ chối các hợp đồng đặt cọc mua xe từ khách hàng ở một số thời điểm.

Mới nhất, nhiều đại lý Toyota tại Việt Nam tuần qua đồng loạt thông báo ngừng nhận cọc đối với mẫu SUV ăn khách Land Cruiser. Nguyên nhân do tình trạng thiếu hụt linh phụ kiện ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Kể từ khi được nâng cấp lên thế hệ mới tại Việt Nam, Toyota Land Cruiser vẫn luôn bị bán kèm “lạc” do lượng xe về quá ít, không đáp ứng nổi nhu cầu của khách Việt. Lúc mới ra mắt, Toyota Land Cruiser 2022 bị bán chênh khoảng 400 – 500 triệu đồng tùy nơi. Đầu tháng 5, hãng xe điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất tăng thêm 40 triệu đồng, lên mức 4,1 tỷ đồng, nhưng tình trạng hiếm hàng vẫn xảy ra.

Land Cruiser không phải mẫu xe duy nhất trên thị trường đang gặp khó. Chiếc crossover tí hon Raize – được nhập khẩu từ Indonesia - cũng chứng kiến không ít đại lý Toyota phải từ chối nhận cọc mua xe vì “không biết bao giờ có xe”. Hiện nay, những khách hàng mạnh dạn nhất đang phải chứng kiến thời gian giao xe lùi sang tận năm 2023. 

Trong khi đó, tình trạng từ chối cọc đối với Toyota Hilux đã diễn ra trong nhiều tháng nay. Lý do là bởi quy định mới tại Việt Nam yêu cầu ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên, cả bốn phiên bản Toyota Hilux hiện chỉ trang bị động cơ diesel Euro 4, khiến việc nhập khẩu trở nên bất khả thi. 

Cùng với Toyota, đồng hương Honda thời gian qua đã chứng kiến nhiều đại lý ô tô của mình phải ngưng nhận cọc CR-V vào một số thời điểm nhất định do lo lắng không có đủ xe để giao trong tháng cho khách hàng. Mẫu crossover ăn khách của hãng xe Nhật Bản hiện có lịch ra mắt thế hệ mới vào tháng 7 tới, nhưng nhiều ý kiến phân tích tỏ ra bi quan vào doanh số thực tế, trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục bị bó hẹp. 

Tình trạng từ chối cọc, bỏ cọc cũng diễn ra với xe lắp ráp trong nước. Một nhân viên kinh doanh Hyundai cho biết, tình trạng này thời gian qua đã xảy ra với hầu hết mẫu xe của hãng, bao gồm cả Accent, Grand i10, nhưng trầm trọng hơn cả là Tucson và Santa Fe. “Hiện nay, nhiều khách hàng đặt xe từ tháng 3 nhưng không có xe về cũng đã bỏ cọc” – người này cho hay. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, thời gian chờ giao xe đối với Hyundai Creta hiện khoảng 2 tháng, trong khi với Hyundai Santa Fe có thể lên tới 5-6 tháng tùy màu. 

Trao đổi về KIA Sportage vừa ra mắt giữa tháng 6, một lãnh đạo của THACO cho biết, hiện mẫu crossover này đã nhận được hơn 1.000 hợp đồng đặt cọc, nhưng khả năng đáp ứng của nhà máy chưa thể bắt kịp do linh kiện nhập về không đủ - bất chấp nỗ lực làm việc với đối tác KIA Hàn Quốc. 

Trong bối cảnh thị trường đang diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cần thương lượng với đại lý để mạch lạc về lộ trình nhận xe khi ký hợp đồng đặt cọc, tránh những hiểu lầm về lâu dài. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước ở hầu hết phân khúc đều có thêm hàng loạt gương mặt mới với tính năng và giá thành đều rất cạnh tranh, việc linh hoạt thay đổi lựa chọn xe cũng là cách tiếp cận đáng cân nhắc.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục