Thị trường ô tô trong nước "bùng nổ" dù chưa giảm phí trước bạ

Ngày 16-11, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, cho thấy sự bùng nổ về doanh số.

Cụ thể, với 29.797 xe bán ra, thị trường ô tô trong nước đã tăng trưởng 120% so với tháng 9, dù vẫn thấp hơn 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, mức tăng mạnh nhất thuộc về dòng xe du lịch, tới 138%. Việc thị trường bùng nổ là điều đã được dự đoán từ trước, trong bối cảnh báo cáo kinh doanh tháng 10 của nhiều nhà sản xuất ô tô đều ghi nhận bước tiến lớn về doanh số, đặc biệt là ở các sản phẩm chủ lực. 

Theo VAMA, diễn biến tích cực có được nhờ vào 2 yếu tố chính. Thứ nhất, đó là việc tất cả đại lý ô tô trên toàn quốc đã khôi phục hoạt động, song song sự phục hồi nhanh chóng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong tháng 10, xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra đạt 14.453 xe, tăng 132% so với tháng 9. Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110%. 

Thứ hai là nhờ những đồn thổi rằng phí trước bạ sẽ được giảm tới 50% từ ngày 12-11-2021. Tuy thông tin này tới nay vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng đã phần nào giúp kích cầu thị trường. Nhiều đại lý ô tô những tuần qua đã thuyết phục người tiêu dùng mua xe bằng thủ thuật ký đặt trước xe rồi chờ qua thời điểm chính thức áp dụng ưu đãi phí trước bạ mới hoàn tất các thủ tục còn lại để đăng ký ra biển. Tuy nhiên, cách làm này giờ đây đang đối diện nhiều thử thách, khi thời điểm giảm phí dự kiến là từ ngày 1-12, trong khi con số giảm cụ thể lại chưa được “chốt”. 

Giới chuyên môn cũng cho rằng, còn có 2 yếu tố khác giúp thúc đẩy sức mua, bao gồm sự phong phú về lựa chọn và hàng loạt ưu đãi tiếp tục được tung ra. Ở thời điểm hiện nay, hầu hết mọi phân khúc ô tô đều có những gương mặt mới nổi bật, như KIA Sonet và Toyota Raize trong crossover đô thị cỡ nhỏ, KIA Carnival ở phân khúc xe đa dụng cỡ lớn (MPV). 

Gần đây nhất, Lexus đã mang ES và GX 2022 về Việt Nam, với giá khởi điểm tương ứng từ 2,55 tỷ đồng (đối với ES250) và 5,67 tỷ đồng (đối với GX460). Peugoet cũng đã tung ra mẫu 5008 thế hệ mới, hoàn tất việc “lên đời” cho bộ ba sản phẩm chiến lược của mình ở thị trường trong nước (gồm cả 2008 và 3008). Mẫu xe này có giá niêm yết từ 1,219 tỷ đồng, nhưng bán ra với ưu đãi chỉ từ 1,199 tỷ đồng. 

Mới nhất, Suzuki tuyên bố hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ và các chi phí khác, tương đương khoảng 30 triệu đồng cho khách hàng mua các dòng xe du lịch của hãng. Với xe thương mại, người mua được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ và chi phí đăng ký khác, tương đương khoảng 25 triệu đồng.

Toyota vẫn mạnh tay giảm trừ chi phí cho khách hàng mua xe của mình, cao nhất là với Altis (40 triệu đồng), Vios G/GR-S (gần 35 triệu đồng).

Việc “tặng” cho người mua xe 100% phí trước bạ cũng là chiến lược được Honda, Mazda và KIA áp dụng.  

Không chỉ ở nhóm phổ thông, mà khuyến mãi cũng được áp dụng ngay cả với xe sang. Đến hết 31-12, Jaguar Land Rover “kích cầu” thông qua ưu đãi dịch vụ bảo dưỡng. Các dòng xe thuộc hai thương hiệu này có thể được giảm tới 20% chi phí dầu động cơ, tặng voucher và miễn phí các gói bảo dưỡng như căn chỉnh độ chụm hay đánh bóng sơn xe... 

Tuy nhiên, việc sức mua tăng đột biến trong khoảng thời gian ngắn đang dẫn tới một số hệ quả. Nhiều mẫu xe ăn khách phải tới sau Tết Nguyên đán 2022 mới có hàng trở lại. Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên đại lý Toyota tại Hà Nội cho biết, mẫu crossover tí hon Raize phải tới hết tháng 2-2022 - tức sau dịp Tết Nguyên đán - mới có hàng trở lại.

Trong khi đó, cơn sốt linh kiện toàn cầu cũng đã ảnh hưởng tới việc sản xuất của một số hãng xe tại Việt Nam, khiến nguồn cung bị thu hẹp. Theo một đại lý Ford, sau nhiều tháng bán “đắt như tôm tươi”, chiếc bán tải Ranger có thể sẽ hiếm hàng vào dịp cuối năm, do nhà máy tại Hải Dương đang bi quan về khả năng đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn. 

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục