Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội

Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 7-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Tích cực hỗ trợ

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thẩm định và cấp đăng ký cho 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật và cấp đăng ký sửa đổi bổ sung cho 11 hợp đồng theo thẩm quyền. Công nghệ đa phần xuất xứ từ châu Âu hoặc các nước châu Á có nền công nghiệp phát triển.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn  pháp lý và các điều kiện ưu đãi liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội nói riêng, Sở đã hệ thống hóa 14 văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động chuyển giao công nghệ. Sở cũng tuyển chọn và xây dựng thuyết minh các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phát triển theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội của doanh nghiệp trong 8 ngành, lĩnh vực định hướng ưu tiên.

Trên thực tế, 8 lĩnh vực này đều có hoạt động nhận chuyển giao hoặc nghiên cứu, làm chủ công nghệ. Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng đã có một số công nghệ mới.

Đó là công nghệ khoan kích ngầm do nhà thầu Tekken (Nhật Bản) áp dụng cho gói thầu số 2 của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì). Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, khoan kích ngầm là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội để thi công cống ngầm ở nơi có mật độ dân cư, giao thông đông đúc. Ngoài ra, công nghệ xây dựng trong giao thông được các nhà thầu tuyến đường sắt đô thị (metro) trong nước áp dụng sử dụng robot đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) công nghệ tiên tiến. Đây là thiết bị do Hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM và cũng là máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô.

Kiến nghị bổ sung chính sách đặc thù

Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND trong một số nội dung, như: Hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp; tổ chức hội chợ công nghệ, tiếp xúc đầu tư... chưa được thực hiện. Đặc biệt, việc áp giá giải phóng mặt bằng với đất nông nghiệp có mức hỗ trợ gấp 5 lần giá đất, khiến cho giá thành đất công nghiệp của thành phố Hà Nội trở nên rất cao. 

Ngoài ra, theo Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Ngô Văn Tỉnh, thời gian qua, các hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, đặc biệt là cơ chế cho vay để đáp ứng nhu cầu chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội vẫn chưa thực hiện được bởi các văn bản pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các nội dung công việc được giao tại Kế hoạch số 222/KH-UBND; đồng thời, phối hợp tham mưu thành phố các cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội. 

Cụ thể, Sở Xây dựng nghiên cứu một số công nghệ ứng dụng trong ngành Xây dựng, như: Công nghệ xử lý nước thải, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, thi công nhà cao tầng... để đề nghị bổ sung vào danh mục định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội. Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến về doanh nghiệp, thị trường, công nghiệp hỗ trợ, thương mại dịch vụ, du lịch...

“Sở Khoa học và Công nghệ cũng kiến nghị với cơ quan trung ương bổ sung các chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội, nhằm thu hút các dự án công nghệ tiên tiến trong điều kiện giá thành mặt bằng cao, như: Hỗ trợ bù giá tiền giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng; có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động có kỹ thuật cao, vốn đầu tư quy mô lớn...”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục