89% hàng hóa nhập khẩu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất

Bộ Công Thương ngày 4-5 cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4-2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 123% so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng, dầu các loại tăng 146,9%; dầu thô tăng 63,7%; khí đốt hóa lỏng tăng 62,7%...

Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh, như: Sản phẩm từ dầu mỏ tăng 30,3%; hóa chất tăng 29,3%; sản phẩm hóa chất tăng 26,71%; phân bón tăng 73,3%; cao su các loại tăng 34%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 20,8%...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 23,3 tỷ USD, tăng 40,1%. Thị trường ASEAN đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15,3%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, tăng 14,7%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,7%); Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,2%.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục