Chật vật vì giá xăng dầu tăng

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Ðể duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí, tăng giá sản phẩm hàng hóa.

Giá xăng tăng không chỉ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mà còn đẩy giá các loại hàng hóa khác, ảnh hưởng đời sống người dân và nền kinh tế.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế; về lâu dài, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước trong việc giảm áp lực từ giá xăng dầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sau thời gian bị "bào mòn" bởi đại dịch Covid-19.

Áp lực đè nặng

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/6 vừa qua, xăng Ron 95 III lập "đỉnh mới" khi gần chạm ngưỡng 33 nghìn đồng/lít, xăng E5 Ron 92 ở mức 31.300 đồng/lít, dầu đi-ê-den loại 0,05S giá 30.010 đồng/lít,... Ðây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay, kéo theo hệ lụy là khiến hàng loạt nguyên vật liệu tăng theo. Nếu không kịp thời ngăn chặn "cơn bão giá" hàng hóa, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển của nền kinh tế-xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Song Phương (chuyên sản xuất hàng thực phẩm) chia sẻ, hiện chi phí xăng dầu chiếm 25-30% tổng chi phí sản xuất của đơn vị, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động. Giá xăng liên tục tăng cao khiến giá nguyên liệu tăng gấp 3-4 lần so cùng kỳ năm trước, buộc đơn vị phải lên phương án tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Tương tự, anh Lê Thắng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất gạch men xây dựng cho biết, chi phí đầu vào sản xuất gạch đã tăng khoảng 40-50%, trong đó xăng dầu chiếm khoảng 35% giá thành (tăng gấp hai lần năm trước), than đốt lò nung chiếm tới 40%, rất khó mua do khan hiếm và giá thành cũng tăng "nóng" theo giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp, đánh mạnh vào nỗ lực gượng dậy sau hơn hai năm đình trệ vì dịch Covid-19. Hiện đơn vị phải giảm công suất xuống còn 60%, giá sản phẩm chỉ dám tăng khoảng 10% nhằm giảm lỗ do yếu tố cạnh tranh thị trường và nhu cầu của người dân đang giảm xuống, chưa kể lượng hàng tồn kho lớn, tăng khoảng 30-40% so năm trước. Giải pháp hiện nay của công ty là chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, cho các nhà bán lẻ nợ tiền hàng kéo dài thêm từ 1 đến 3 tháng, cố gắng xoay xở trong "cơn bão giá" hiện nay.

Các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng chịu tình cảnh tương tự, chưa kịp phục hồi sau dịch Covid-19 lại tiếp tục hứng chịu áp lực giá xăng tăng. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại-dịch vụ Ðất Cảng cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua đã khiến các đơn vị vận tải đều rơi vào thế hết sức khó khăn, điều chỉnh giá cước không theo kịp, càng chạy càng lỗ. Ðể thích ứng, Công ty Ðất Cảng đã phải giãn tần suất, cắt giảm hơn 50% chuyến xe không hiệu quả, hoặc chuyển sang những loại xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Gần 150 xe buộc phải nằm bãi, chi phí thuê bãi đậu hằng tháng rất lớn. Người lao động ít việc làm, thu nhập giảm sút, tuyển dụng lái xe rất khó khăn, nếu sau này nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải sẽ không kịp nắm bắt cơ hội.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) Ðỗ Văn Bằng cũng tỏ ra rất lo lắng về hoạt động của công ty trong thời gian tới. Thông thường, chi phí xăng dầu ở mức khoảng 30% doanh thu trở lại, doanh nghiệp mới đủ xử lý các vấn đề để tồn tại, hiện nay, chi phí ở mức hơn 50% và dự báo chưa có xu hướng giảm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội phục hồi. Nhà xe Sao Việt chuyên chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai-Sa Pa, trước khi dịch bùng phát, tần suất khoảng 40 chuyến/ngày, nay giảm chuyến chỉ còn 15 chuyến/ngày và có thể còn tiếp tục giảm.

Giá xăng tăng cao gây áp lực cho doanh nghiệp vận tải và hành khách. (Ảnh HÀ MY) 

Kìm đà tăng giá

Các hãng ta-xi cũng phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi phí nhằm duy trì hoạt động. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Thành Công (hãng ta-xi Sông Nhuệ) Phạm Văn Anh cho biết, mặc dù xăng dầu nhiều lần tăng giá nhưng Sông Nhuệ vẫn giữ giá mở cửa 20 nghìn đồng/1,5km đầu tiên, km tiếp theo là 13.500 đồng. Giá xăng liên tục tăng cao buộc doanh nghiệp phải tăng giá cước để bảo đảm hoạt động cho 200 đầu xe cũng như việc làm cho người lao động. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang đối diện rất nhiều khó khăn; trước kia xăng dầu chiếm khoảng 30-35% chi phí, nay đã tăng lên 45-50%. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cân nhắc tăng giá cước làm sao để bảo đảm phù hợp nhằm duy trì hoạt động.

Từ giữa tháng 6 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp xi-măng đã thông báo tăng giá bán nhằm duy trì hoạt động, trong đó, Vicem Hải Vân tăng 50 nghìn đồng/tấn; các đơn vị Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn,... đều tăng giá từ 70 đến 100 nghìn đồng/tấn,... Nguyên nhân chính do chi phí các nguyên nhiên liệu đầu vào tăng liên tục: than chiếm 35-40%, xăng dầu chiếm 10-15% giá thành. Gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn: quý I, lợi nhuận sau thuế của Vicem Hà Tiên giảm gần 75% so cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ quý I/2018; nhiều đơn vị ngành xi-măng cũng có kết quả kinh doanh không thuận lợi. Nhằm duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp xi-măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Phó Tổng Giám đốc Vicem Lê Hữu Hà cho biết, Vicem đang tập trung cải tạo các nút thắt công nghệ lò nung và bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Với 100% đội ngũ cán bộ kỹ sư trong nước triển khai lắp đặt và vận hành, các dây chuyền được cải tạo đã vượt công suất thiết kế, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí. Theo lộ trình, đến năm 2025, Vicem sẽ hoàn thành tổng rà soát toàn bộ các nhà máy và ưu tiên cải tạo trước các dây chuyền lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu; tận dụng rác thải, bùn thải cho sản xuất, hoàn thành lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện, góp phần tiết giảm chi phí, tăng sức
cạnh tranh.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt loại hàng hóa khác tăng giá theo khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và doanh nghiệp "khó chồng khó" sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho nên vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải nhanh chóng kìm hãm đà tăng giá xăng dầu cũng như các loại hàng hóa khác.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. VCCI đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện ngay trong tháng 7, do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng, phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. Trước đó, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, Bộ đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục