Đầu tư hạ tầng lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển

- Công ty Điện lực Tuyên Quang đã từng bước đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng mất điện cục bộ, chất lượng điện ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, đòi hỏi ngành điện tiếp tục đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.

Thực trạng điện vừa yếu, vừa thiếu đang xảy ra ở nhiều địa phương do nguồn vốn đầu tư còn thiếu trong khi hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng của các địa phương đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp. Mặt khác, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, phụ tải phân tán, cơ sở hạ tầng, giao thông vẫn chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác thực hiện đầu tư cấp điện. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã nỗ lực để đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, nhất là việc đưa điện về nông thôn và cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, trong 5 năm qua, công ty đã huy động 1.355,381 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng mới 603 trạm biến áp, sửa chữa, thay thế 518 km đường dây trung thế, 1.863 km đường dây hạ thế. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, nhất là nhu cầu sử dụng điện lớn ở các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Công nhân Điện lực Tuyên Quang sửa chữa, bảo dưỡng trạm biến áp 110 kV Tuyên Quang, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Trong năm 2021, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã và đang triển khai 39 công trình đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn 435 tỷ đồng. Trong đó, công ty tiếp tục tập trung đầu tư các khu vực có nhu cầu phụ tải tăng nhanh và nâng cao chất lượng điện năng khu vực nông thôn với quy mô xây dựng mới 288 trạm biến áp, kéo mới, thay thế 158 km đường dây hạ áp, 208 km đường dây trung áp.
Hiện nay, Công ty Điện lực Tuyên Quang đang tập trung đầu tư xây dựng xuất tuyến 35 kV lộ 372 trạm 110 kV Gò Trẩu, với quy mô xây dựng mới 2,37 km đường dây 35 kV sử dụng cáp bọc trên không loại dây bọc 150 mm2, xây dựng mới 0,22 km đường dây cáp ngầm 35 kV, sử dụng cáp ngầm loại 3 x 300 mm2, cải tạo 4,14 km đường dây 10 (22) kV hiện trạng thành mạch kép để đi chung với đường dây 35 kV và 0,3 km đường dây 10 (22) kV với tổng mức đầu tư trên 13,3 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng mạch vòng giữa lộ 371 E14.11 với lộ 377 E14.11 và cấy thêm trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện, giảm số lượng khách hàng có điện áp thấp khu vực xã Tân Thành và xã Yên Thuận (Hàm Yên) với quy mô xây dựng mới 2,19 km đường dây 35 kV. Công ty sử dụng dây AC95 để làm mạch vòng giữa lộ 371 E14.11 và 377 E14.11 từ trạm biến áp Việt Thành đến trạm biến áp thôn 4 Việt Thành, xã Tân Thành; xây dựng mới 5,12 km đường dây 35 kV và 5 trạm biến áp 100 kVA - 35/0,4 kV, 5,9 km đường dây 0,4 kV với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng...

Theo báo cáo của Sở Công thương, thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020 đến nay đã hoàn thành đóng điện cho 9 hạng mục công trình, cấp điện cho 1.107 hộ gia đình tại 20 thôn bản trên địa bàn 8 xã, với tổng mức đầu tư 76,8 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lên đến 99,60%. Ngành Công thương đang phối hợp với các địa phương, nhà thầu kiểm tra, giám sát hoàn thiện lắp đặt thiết bị đưa vào sử dụng các nhà máy thủy điện sông Lô 8 A, 8B, thủy điện Yên Sơn trong năm 2021 và 2022, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân.

Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện, Công ty Điện lực Tuyên Quang còn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là việc đơn giản hóa các thủ tục cấp điện mới, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải tiến hoạt động chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng…

Những nỗ lực của Công ty Điện lực Tuyên Quang và các cấp, các ngành trong việc đầu tư, cải tạo hệ thống điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn giúp các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Quốc Việt 

Tin cùng chuyên mục