Không gian công cộng trong đô thị: Còn thiếu và chưa đồng bộ

- Trong các đồ án quy hoạch đô thị, không gian công cộng là tiêu chí không thể thiếu, đánh giá mức độ phát triển của đô thị tùy theo từng cấp bậc. Tuy nhiên trên thực tế, không gian công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn, việc quy hoạch, xây dựng chưa đồng bộ, dẫn đến việc thụ hưởng của người dân bị hạn chế.

Không gian công cộng là không gian phục vụ cho nhu cầu của nhiều người, như quảng trường, đường phố, công viên... Trên địa bàn tỉnh, không gian công cộng bắt đầu được ưu tiên xây dựng trong thời gian gần đây, khi các đô thị trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I, loại IV, V.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng cho biết, trong các đô thị trên địa bàn tỉnh, thì thành phố Tuyên Quang hiện đang được ưu tiên quy hoạch, xây dựng các không gian công cộng phù hợp với kiến trúc, mỹ quan và đáp ứng nhu cầu của người dân nhiều nhất. Nhiều không gian công cộng được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ như công trình Đài tưởng niệm gắn với Bảo tàng tỉnh, Hồ công viên cây xanh; công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành hay công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đặc biệt, các công trình này gắn bó mật thiết với sinh hoạt của người dân hàng ngày, phát huy công năng sử dụng và phục vụ cộng đồng chứ không rơi vào tình trạng “nơi thừa nơi thiếu” như đã xảy ra ở nhiều địa phương.

 Quảng trường Trung tâm huyện Na Hang vừa được đưa vào sử dụng.

Hiện nhiều địa phương, việc cải tạo các không gian sẵn có đang được coi là điểm nhấn, thay thế các không gian còn thiếu về công viên hay khu vui chơi giải trí. Quảng trường Trung tâm huyện Na Hang vừa được đưa vào sử dụng có quy mô gần 3 ha, được cải biến từ sân vận động cũ của huyện này. Công trình này được đánh giá là có kiến trúc cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Về lâu dài, Quảng trường Trung tâm huyện ngoài phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, sẽ góp phần phục vụ nhu cầu khách du lịch khi đối diện với nó là chợ đêm Na Hang với nhiều hoạt động mua sắm hấp dẫn. Ngoài Quảng trường Trung tâm huyện, Na Hang cũng đang tập trung xây dựng hoàn thiện tuyến kè bảo vệ sông Gâm (bờ phải), đưa vào sử dụng công trình Vườn hoa tại nút giao thông tại trung tâm thị trấn… như điểm nhấn công cộng.   

Theo Sở Xây dựng, trong đồ án quy hoạch các đô thị trung tâm các huyện, thành phố, thì không gian công cộng được ưu tiên xây dựng là các quảng trường. Hầu hết các địa phương đều chuyển đổi mục đích sử dụng của các sân vận động thành các quảng trường để đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt bằng, vị trí... Như Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương đều tận dụng sân vận động cũ để xây dựng quảng trường. Yên Sơn vì chuyển vị trí nên quy hoạch khoảng không gian trước khu hành chính công của huyện để xây dựng quảng trường.

Tuy nhiên, chính sự cải biến này vô hình trung lại làm biến mất một không gian công cộng quan trọng khác là sân vận động. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng thừa nhận, ngay tại thành phố Tuyên Quang, quỹ đất xây dựng Quảng trường Nguyễn Tất Thành cũng được tận dụng từ sân vận động thành phố trước đây. Và đến thời điểm này, khi thành phố Tuyên Quang đã đạt tiêu chí đô thị loại II và đang phấn đấu đạt đô thị loại I, thì vẫn “nợ” tiêu chí Khu liên hợp thể thao của thành phố. Trên thực tế, để hoàn thành tiêu chí này, theo ông Dũng vẫn còn khá gian nan. Vì trong danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025), tỉnh vẫn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm để hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối với các khu vực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc thu hút xã hội hóa xây dựng công trình này cũng khó khả quan, khi số vốn ước tính ban đầu để hoàn thiện là khoảng 200 tỷ đồng.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 27%, hình thành 4 đô thị loại IV là thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), thị trấn Na Hang (Na Hang) và thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương). Đồng thời, hình thành 16 đô thị loại V tại trung tâm các xã: Sơn Nam, Tân Trào, Hồng Lạc (Sơn Dương); Thượng Lâm (Lâm Bình); Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang); Phúc Sơn, Ngọc Hội, Hòa Phú, Kim Bình, Trung Hà (Chiêm Hóa); Phù Lưu, Thái Sơn (Hàm Yên); Mỹ Bằng, Trung Sơn, Xuân Vân (Yên Sơn). Đây là các xã hiện có tốc độ đô thị hóa khá cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại tương đối phát triển, được đầu tư xây dựng trong thời gian tới sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại V. Đây được gọi là các đô thị mới.

Đồng thời, nhiều dự án phát triển các khu đô thị hiện đại của các nhà đầu tư lớn đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như dự án khu đô thị của Công ty cổ phần Hiệp Phú, Công ty cổ phần tập đoàn Danko, Công ty cổ phần Tập đoàn ViDec, Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Phúc…cũng phải đảm bảo tất cả các tiêu chí về tỷ lệ cây xanh, khu công viên cây xanh trong từng khu đô thị. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để vừa phát triển được hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, vừa xây dựng được những không gian công cộng, không gian xanh đáp ứng các tiêu chí về thẩm mỹ và phát huy công năng sử dụng cho dân cư đô thị.                  

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục