Những dự án “vượt đại dịch”

- Dù bị tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, song thu hút đầu tư của tỉnh lại đạt kết quả khả quan. Hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước với những dự án có tổng vốn lớn nhất từ trước đến nay đã được chấp thuận, mở ra một tương lai tươi sáng cho kinh tế tỉnh nhà.

Tiếp tục khơi dòng đầu tư

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Để đạt được mục tiêu trên, cần huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong khi khả năng tích lũy vốn nội bộ thấp, nguồn vốn Trung ương cấp hàng năm không thể đủ nhu cầu đầu tư cho phát triển.

Sớm xác định được điều này, tỉnh không ngừng đổi mới, quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết để đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết (cơ chế, đất đai, nguyên liệu...) để sẵn sàng đón các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển đầu tư. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh tổ chức các chương trình đối thoại doanh nghiệp, gặp gỡ doanh nhân thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân... qua đó mời gọi, thu hút, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh.  

Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm nâng cao toàn diện môi trường đầu tư. Theo đó, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tiếp nhận và trả kết quả các dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Quan điểm của tỉnh là tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn; thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp, tháng 9 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết quy chế phối hợp và thông báo triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại bộ phận một cửa đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Anh Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) phấn khởi cho biết, thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án sắp đầu tư anh chỉ cần đến bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện. Mừng hơn nữa là  từ lúc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trả kết quả, cán bộ bộ phận một cửa thực hiện trong khoảng thời gian 15 phút nên thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp.        

Điểm đến đầu tư an toàn

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, Tuyên Quang đã trở thành điểm đến an toàn cho nhà đầu tư, hàng chục dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã vượt biên giới, đại dịch đầu tư vào tỉnh.

1 tháng sau khi UBND tỉnh chấp thuận đầu tư Dự án mở rộng Trang trại bò sữa kỹ thuật cao, Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã bắt tay ngay vào thi công. Hàng loạt dãy chuồng và các công trình phụ trợ đã được xây dựng. Anh Đặng Văn Thành, Tổ trưởng tổ chăn nuôi phấn khởi cho biết, các dãy chuồng nuôi bò vắt sữa, chuồng bê tơ, chuồng bê cũi, chuồng bò chờ đẻ, nhà vắt sữa, khu tắm mát cho bò, hệ thống hố ủ chua... đã cơ bản hoàn thành. Hiện tại, anh em công nhân đang tập trung hoàn thiện nền, lắp đặt hệ thống quạt gió, xử lý chất thải. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện vào tháng 1-2022 để nhập khẩu 1.000 con bò sữa từ Mỹ về, nâng tổng số đàn bò của công ty lên 3.000 con.

Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) gấp rút xây dựng dự án mở rộng trang trại chăn nuôi bò sữa.

Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản khẳng định, dự án đầu tư mở rộng Trang trại bò sữa kỹ thuật cao trên quy mô 3 ha, với tổng vốn đầu tư 225 tỷ đồng. Đây là giai đoạn 2 của kế hoạch đầu tư mở rộng trang trại nuôi bò sữa tập trung đảm bảo cung cấp sữa tươi cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa trong nước và tiến tới cung cấp cho các nhà máy chế biến sữa của doanh nghiệp tại tỉnh. Cũng theo ông Toản, dự án đi vào hoạt động công ty sẽ tạo việc làm trực tiếp cho 150 lao động tại địa phương, đồng thời giải quyết việc làm gián tiếp cho nhiều hộ gia đình thông qua việc ký kết hợp đồng trồng, cung ứng nguồn thức ăn cho đàn bò.

Dự án xây dựng Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Công ty cổ phần An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) - một trong những dự án đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay cũng đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch khởi công. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) phấn khởi cho biết, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chấp thuận cho công ty xây dựng nhà máy tại khu vực cảng An Hòa, với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đã hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước... Ngay khi điều kiện cho phép, công ty sẽ thực hiện khởi công dự án để đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Công ty Chunghak F&C (Hàn Quốc) cũng được tỉnh chấp thuận để xây dựng dự án Nhà máy chế biến nông sản JW.  Dự án có số vốn đầu tư 3 triệu USD, sau khi đi vào hoạt động sẽ thu mua khoảng trên 22 nghìn tấn rau, củ, quả tươi làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra 12 nghìn tấn sản phẩm rau, củ, quả đông lạnh mỗi năm. Dự án sẽ phối hợp với khoảng 2.700 nông dân để phát triển vùng nguyên liệu trên 1.000 ha của công ty, trong đó có các hợp phần về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trang trại thông minh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 60 nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư vào tỉnh, đã có 24 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, với tổng vốn cam kết đầu tư gần 4.700 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2020. Đây là con số ấn tượng đối với 1 tỉnh miền núi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Kết quả trên cũng đã phản ánh nỗ lực của tỉnh trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để tạo vùng xanh an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư các dự án.          

Bài, ảnh: Đoàn Thư      

Tin cùng chuyên mục